Chuỗi ngày tươi đẹp…
2019 là một năm đặc biệt. Thậm chí, có thể trở thành năm trọng đại nhất của lịch sử bóng đá Việt Nam. Khi kim thời gian chỉ vừa đếm những ngày cuối của tháng 10, bóng đá Việt đã ngập tràn những khoảng khắc vàng.
Đó là chức vô địch V-League thứ 5 của Hà Nội FC, đội bóng số 1 Việt Nam trong hơn một thập niên. Họ đã ngang bằng với 5 danh hiệu vô địch quốc gia của Thể Công, họ cũng đã phá vỡ hết mọi kỷ lục trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Hà Nội FC cũng để lại một khoảng khắc vàng khác ở đấu trường quốc tế, khi vào đến trận bán kết AFC Cup và chỉ bị loại bởi luật bàn thắng trên sân đối phương. Trong năm 2019, Hà Nội FC là đội bóng thi đấu nhiều nhất, với gần 50 trận đấu và đều tiến sát đến vinh quan cuối cùng. Không có gì ngạc nhiên khi đại diện thủ đô cung cấp đến 9 cầu thủ cho đội tuyển quốc gia và U23. Và sẽ không có gì bất ngờ, nếu có nhiều cầu thủ Hà Nội lọt vào danh sách tốp 10 của giải thưởng QBV Việt Nam.
Cho đến thời điểm này, năm 2019 có một chi tiết “vô tiền khoáng hậu”, đó là bóng đá Việt Nam tạo ra được những kết quả khó tin trước bóng đá Thái Lan. Một thành tích kỳ lạ đến mức khiến các CĐV Thái Lan bị “sốc” và đòi LĐBĐ Thái phải có câu trả lời chính thức. Đầu năm, Hà Nội FC đánh bại Bangkok United ở trận play-off AFC Champions League. Vài ngày sau, đội U22 hòa Thái Lan ở giải vô địch Đông Nam Á, nhưng cũng chỉ chưa đầy một tháng sau, đội tuyển U23 có trận thắng lớn nhất trước người Thái ở Mỹ Đình với tỷ số 4-0, để giành vé dự VCK U23 châu Á.
Tháng 6, đến lượt đội tuyển quốc gia hạ Thái Lan 1-0 tại King’s Cup và sau đó là trận hòa 0-0 ở ngày mở màn vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á. Rồi như chúng ta đã biết, các cô gái Việt Nam đánh bại Thái Lan để lên ngôi số 1 Đông Nam Á ngay trên đất Thái và mới nhất, là đội U19 nữ chiến thắng chủ nhà Thái Lan ở VCK U19 châu Á. Đó là chưa kể 2 trận đối đầu, 1 thắng 1- hòa của đội U19 nam. Những kết quả kỳ lạ này có thể sẽ được tiếp nối khi thầy trò HLV Park Hang-seo có trận lượt về tại Mỹ Đình với người Thái.
Như vậy, ngoài trận thua không nằm ngoài dự báo của đội tuyển Futsal, thì bóng đá Việt Nam đã chứng tỏ ngôi số 1 Đông Nam Á không có gì bàn cãi.
Triết lý làm việc tập thể, cách chọn lựa con người tinh tường và có phần “dị” của HLV Park Hang-seo “vô tình” tạo nên một “cuộc đua kỳ thú” ở cuộc bầu chọn QBV Việt Nam 2019. Tiêu chí bầu chọn của giải thưởng dựa trên quá trình thi đấu suốt năm, thế nên cứ mỗi giai đoạn, lại có những ngôi sao nổi bật. Nếu như Văn Quyết so kè và có phần nhỉnh hơn đương kim QBV là “đàn em” Nguyễn Quang Hải tại V-League, AFC Cup thì anh lại “mất điểm” ở đội tuyển quốc gia.
Ngược lại, nếu đặt thành tích của đội tuyển lên hàng đầu, thì thực tế Quang Hải lại gặp nhiều “đối thủ” khác trên đường đua. Mặc dù HA.GL có kết quả không tốt ở V-League nhưng sự yêu mến dành cho tài năng của Tuấn Anh, Văn Toàn lại không hề kém so với dàn cầu thủ của Hà Nội. Rồi việc thầy Park “xoay tua” lực lượng giữa đội tuyển và đội U23 cũng đem lại lợi thế không nhỏ cho chân sút trẻ Nguyễn Tiến Linh.
Với việc năm 2019 khép lại bằng sự kiện SEA Games 30, thì nếu đội U22+2 hoàn thành “giấc mơ vàng” thì cuộc đua cho tốp 3 QBV nam, hay danh hiệu cầu thủ trẻ xuất sắc còn nhiều bất ngờ phút chót với cách dùng người “biến không thành có” của HLV Park Hang-seo.
Có một điều không ai phủ nhận, giải thưởng QBV từ lâu đã trở thành “nhiệt kế”, đo độ nóng – lạnh thề công của bóng đá Việt Nam. Chiếc “nhiệt kế” đó hiện đã nóng đến mức tối đa khi mà đã hết tháng 10, hàng chục sự kiện đã diễn ra, thành công liên tục tiếp nối, nhưng vẫn chưa ai có thể đưa ra dự báo dù chỉ là tương đối cho những danh vị cao nhất của giải thưởng. Nhiều khả năng, sức nóng từ 2 trận đấu vòng loại World Cup và SEA Games còn có thể làm cho “nhiệt kế” vỡ tung vì một năm 2019 đại thành công.