
Còn 1 tháng nữa, giải vô địch bóng bàn Đông Nam Á 2012 (thi đấu tại Lào từ ngày 10 đến 14-10) khởi tranh. Thật tréo ngoe khi tới lúc này, đã có những phản ứng của một số đơn vị trong cách lựa chọn VĐV đội tuyển chuẩn bị dự giải…
Không có lửa sao có khói?
Tâm điểm nằm ở nhân sự khi một đơn vị cho rằng, việc Liên đoàn bóng bàn và Bộ môn dự kiến sẽ để tay vợt Lê Tiến Đạt (Quân đội) góp mặt là bất hợp lý. Trong khi đó, một đơn vị đưa ví dụ cụ thể là tay vợt Phan Huy Hoàng (Hà Nội T&T) lại không được triệu tập. Theo những sự thắc mắc ấy, Lê Tiến Đạt không đạt thành tích cá nhân tốt ở giải toàn quốc 2012 hồi tháng 5 vừa qua, chưa kể gương mặt này cũng không dự giải các đội mạnh toàn quốc 2012 kết thúc mới đây ở Đà Nẵng do bận tập huấn trong chu kỳ tập luyện của CLB chủ quản tại Trung Quốc.
Trong khi đó, Huy Hoàng đã xếp hạng 3 chung cuộc ở giải toàn quốc đồng thời tay vợt này có mặt thi đấu trực tiếp ở đội hình giành HCB nội dung đồng đội ở giải Các đội mạnh toàn quốc 2012. Như vậy là thấy rõ, tiêu chí lựa chọn VĐV cho đội tuyển phụ thuộc chính ở thành tích cá nhân trong 2 giải quốc nội quan trọng bậc nhất này.

Tay vợt Phan Huy Hoàng
Giả sử (chỉ giả sử thôi), nếu Tiến Đạt được góp mặt trong thành phần đội tuyển thì khó tránh khỏi nhiều phản ứng. Ở trường hợp còn lại là Huy Hoàng. Dù đã không còn được triệu tập lên ĐTQG kể từ sau SEA Games 25-2009, nhưng đúng là nếu xét về thành tích thì tay vợt này vẫn đủ cơ sở được tuyển chọn. Tuy nhiên, khi đặt câu hỏi với Trưởng bộ môn bóng bàn Nguyễn Đức Long thì ông vẫn khẳng định: “Chúng tôi chưa lên danh sách 2 đội tuyển nam, nữ cho giải Đông Nam Á. Đương nhiên, tiêu chí lựa chọn VĐV đi thi đấu cho đội tuyển ngoài chuyên môn cũng phụ thuộc ở thành tích cá nhân trong các giải quốc nội”.
Với khẳng định như vậy, chúng ta có thể hiểu danh sách đội tuyển bóng bàn nam quốc gia hay chính xác hơn là thành phần tới Lào chưa chốt lại cụ thể. Tuy nhiên, cơ sự ở việc phản ánh bất hợp lý trên của một số đơn vị (nghe đâu đã có hẳn đơn khiếu nại được gởi thẳng tới những người quản lý cao nhất ở Tổng cục TDTT) đã cho thấy một điều, Bộ môn và Liên đoàn chưa tính rõ mục tiêu quan trọng đối với các tuyến thuộc hệ đội tuyển từ trẻ tới lớn.
Môn trọng điểm sẽ trông ở tuổi già?
Chính ở sự việc ấy, người trong nghề chung cảm nghĩ thấy buồn cho cách vận hành đội tuyển. Rõ ràng, mọi người luôn ra rả cần trẻ hóa để tìm thêm gương mặt chất lượng nhưng tiêu chí cụ thể chưa thật rõ. Giải vô địch bóng bàn Đông Nam Á bây giờ có lẽ chỉ mỗi Việt Nam muốn tung hết hảo thủ góp mặt để “gặt” huy chương vì đa số các quốc gia ưu thế như Thái Lan, Indonesia hay Singapore đã dần đưa đội hình trẻ tham dự nhằm giúp họ thêm tự tin.
Nếu bảo để ưu tiên đội hình trẻ dự giải vô địch Đông Nam Á, cả 2 gương mặt Tiến Đạt và Huy Hoàng đều đã “hết biên chế” khi qua tuổi 18. Và nếu vẫn ưu tiên cho các đàn anh góp mặt thì cả Đạt và Hoàng vẫn chưa phải tốt nhất. Sẽ không bất ngờ nếu Bộ môn vẫn đưa nhiều gương mặt quá… cũ như Tuấn Quỳnh, Quang Linh tham dự. Vì thế, những địa phương mạnh về bóng bàn trong nước hiện tại đang rất mong mỏi Bộ môn có thay đổi ở cách lựa chọn VĐV tăng cường cơ hội cho các tay vợt trẻ.
Giải các đội mạnh toàn quốc mới đây, bất ngờ nhất là Mai Hoàng Mỹ Trang. Tay vợt số 1 tuyển nữ đã làm khán giả sau vòng loại đơn nữ do thua đàn chị mới trở lại sau thời gian sinh nở Lương Thị Tám (Quân đội). Cũng bất ngờ như thời điểm Nguyễn Thị Việt Linh hừng hực ở tuổi 17 nhưng vẫn để thua đàn cô lứa U50 Nguyễn Bích Ngọc tại giải toàn quốc 2012. Không biết nên vui hay buồn!
NGUYỄN ĐÌNH