Trước đó, lực sĩ cao 1,97 mét, nặng tròm trèm 170kg đã giành HCV ở hạng cân trên 105kg môn cử tạ tại các kỳ Asian Games 2010 (tại Guangzhou, Trung Quốc) và 2014 (tại Incheon, Hàn Quốc). Ở thời điểm này, VĐV quê ở Ghaemshahr vẫn là đô cử “độc bộ châu Á”. Thành tích của anh vốn đã vươn tầm thế giới từ rất lâu rồi. Anh từng thắng HCV ở Olympic London 2012, thắng ngôi VĐTG hồi năm 2010 và 2011 tại Antalya và Paris. Ở giải VĐTG tại Anaheim hồi năm ngoái, Salimi đã giành HCB với mức tổng cử 453 kg. Rõ ràng, thành tích của anh ở Asiad 2018 này vượt trội so với giải VĐTG hồi năm ngoái…
Lý ra, Salimi đã có thể duy trì thành tích ấn tượng trước khi đến với Asian Games tại Indonesia này, nếu không gặp những sự cố liên tiếp đầy bất ngờ. Ở giải VĐTG hồi năm ngoái, anh đã đánh mất tấm HCB trong gang tấc vào tay đồng hương Alihosseni, người mà anh đã “phục thù” thành công ở Asiad năm nay – anh xếp thứ 2 ở nội dung cử giật, chỉ thua VĐV đến từ Georgia là Lasha Talakhadze, nhưng lại bất ngờ thi đấu sa sút ở nội dung cử đẩy, chỉ xếp thứ 5 chung cuộc. Do vậy, tổng thành tích của Salimi thua tổng thành tích của Alihosseni đúng 1 kg.
Trước đó nữa, ở Olympic Rio de Janeiro 2016, thành tích cử đẩy của anh không được công nhận do phạm quy và cũng chính vì vậy, những đô cử khác đã tận dụng cơ hội để vượt qua giành huy chương. Bị “tước huy chương” một cách trắng trợn, “người khổng lồ Iran” và HLV của anh đã nổi cơn thịnh nộ, phản ứng rất dữ dội, khiến BTC phải yêu cầu một nhóm nhân viên an ninh được vũ trang đến tận răng tiến vào nhà thi đấu để can thiệp, giải quyết mâu thuẫn và vãn hổi trật tự. Cả đất nước Iran, sau đó, chỉ trích BTC Olympic và Liên đoàn Cử tạ thế giới đã “cướp đi chiến tích của một người con Iran".
Giờ đây, những bất công hay đau đớn đó, tất cả đều đã được đền đáp xứng đáng, nhưng Salimi cũng phải dốc sức cho nỗ lực vượt khó lần này. “Sau ca phẫu thuật, mọi thứ thật khó khăn, và tôi có cảm giác không tốt ở kỳ Asiad này”, Salimi cho biết với ca phẫu thuật chữa chấn thương đầu gối, “Rất khó để tập luyện. Tôi cũng chẳng biết mỉnh đã giành chiến thắng bằng cách nào nữa. Tôi quyết tâm cố gắng hết khả năng tốt nhất của mình. Đó là lý do tôi phải gửi lời cảm ơn Chúa trời”.
Dù vậy, Salimi đã quyết định, đây cũng là chặng đường cuối cùng trong sự nghiệp cử tạ của anh: “Tôi đã đặt toàn bộ sức lực và niềm tin vào tấm huy chương này, và Chúa đã giúp đỡ tôi. Xin cám ơn Chúa, vì đã giúp con rời khỏi môn thể thao này với một tấm huy chương bằng vàng ròng. Đã một khoảng thời gian rất lâu rồi, kể từ lần đầu tiên tôi nghĩ đến chuyện giải nghệ, đây là lúc làm điều đó để tạo cơ hội, điều kiện và khoảng không cho lứa đàn em, lứa trẻ, phát triển lên".
“Người khổng lồ đã dừng lại”, sau tấm HCV lịch sử. Anh là 1 trong 2 VĐV mang vinh dự vàng về cho cử tạ Iran – ở hạng cân trên 94 kg, đô cử Sohrab Moradi cũng đã giành chiến thắng sau khi đánh bại Faris Ibrahim (Iraq) và Sarat Smpradit (Thái Lan). Trong môn cử tạ, Việt Nam cũng đã xuất sắc giành được 2 tấm HCB, đó là chiến công của Thạch Kim Tuấn ở hạng cân 56kg và của Trịnh Văn Vinh, ở hạng cân 62kg.