
Để vươn tới thành công và ghi tên mình lên đỉnh của làng cờ vua thế giới, kỳ thủ Lê Quang Liêm đã đánh đổi bằng rất nhiều thứ, trong đó có cả tuổi thơ của mình. Búp bê TDDC Đỗ Thị Ngân Thương hay Nguyễn Hà Thanh từng chấp nhận phải sống xa Việt Nam từ tuổi nhi đồng thì giờ đây, TDDC mới thăng hoa như thế…
1. Chỉ dừng lại ở mức biết Lê Quang Liêm là kỳ thủ sở hữu bộ sưu tập cúp vàng, HCV cờ vua trong nước và quốc tế khủng nhất Việt Nam, thì rõ là chưa ghi nhận hết những nỗ lực, hy sinh của anh từ thuở lên 5 tuổi đến nay. Tuổi thơ của chàng trai tài năng này gắn liền với bàn cờ, với những bài khai cuộc, tàn cuộc, chứ chẳng phải những buổi trưa hè dạo chơi công viên, hòa mình trong sự hồn nhiên và vui thú cùng chúng bạn.

Không phải Lê Quang Liêm không có ký ức đẹp về tuổi thơ, mà kỳ thủ này chọn cách trưởng thành khác: khổ luyện để làm rạng danh cờ vua Việt Nam! Đến lúc này, nghĩa là sau cả một chặng đường dài phấn đấu, ngôi VĐTG cờ chớp mà Quang Liêm giành được cách đây ít hôm, đã nói lên tất cả.
Hiểu theo một nghĩa khác, cái giá mà Quang Liêm đã trả cho thành quả ngày hôm nay là rất đắt, nhưng đắt theo kiểu thật đáng trân trọng. Nhiều kỳ thủ cờ vua, cờ tướng khác ở Việt Nam cũng đã đánh đổi rất nhiều để có được danh tiếng, thành công, như: Đào Thiên Hải, Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Nguyễn Thị Thanh An nhưng vươn đến đỉnh cao thực sự ở làng cờ thế giới thì mới chỉ có Quang Liêm thành công tuyệt đối.
Lê Quang Liêm không nhận mình là người hùng của thể thao Việt Nam, mặc dù kỳ tích ở giải VĐTG 2013 đủ cơ sở để người ta khẳng định điều đó. Tiếc một điều, cờ vua không nằm trong hệ thống thi đấu của Olympic. Nếu không, thể thao Việt Nam đã có quyền mơ mộng về tấm HCV đầu tiên rồi.
2. “Búp bê TDDC Đỗ Thị Ngân Thương từng tâm sự, cô sẽ đứng dậy ở đúng nơi mình đã trượt ngã. 5 năm trước, Ngân Thương đau đớn rời Olympic Bắc Kinh 2008 cùng cơn ác mộng doping, buồn tủi vì chưa bao giờ cô lại rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã đến thế.
Tưởng chừng sau cú sốc ấy, búp bê vàng sẽ giã từ sàn đấu, chọn cho mình một lối đi khác. Nhưng may mắn thay, Ngân Thương đã không quỵ ngã, đã trở lại thật ngọt ngào ở SEA Games 26 - nơi TDDC Việt Nam tạo nên cơn “mưa” HCV thực sự trong lịch sử những lần tham dự, rồi đi thẳng đến London 2012 bằng tấm vé chính thức.

Nếu Ngân Thương hay Hà Thanh sau này không kể rằng họ đã phải vắt kiệt sức lực của tuổi thơ cho những buổi tập nhào lộn, uốn dẻo cùng xà lệch, thảm đấu và chằng chịt nỗi đau về thể xác trên đất Trung Quốc từ tấm bé, chẳng ai biết thành công của họ xuất phát từ đâu, dễ dàng hay khó nhọc.
3. Không nhiều người biết nhà vô địch châu Á Nguyễn Thị Thanh Phúc từng có thời bị quên lãng, bị giới chức điền kinh đánh giá là yếu chuyên môn, thậm chí không đủ năng lực tranh chấp huy chương với các VĐV trong khu vực Đông Nam Á chứ nói gì đến chuyện cô sẽ đường hoàng “đi bộ” thẳng đến London 2012.

Nhưng có hề chi, giống như cách mà Thanh Phúc từng thừa nhận, cứ đi rồi sẽ tới đích và thời gian sẽ là câu trả lời xác đáng nhất, ghi nhận đúng đắn nhất những nỗ lực của Phúc và cậu em trai Nguyễn Thành Ngưng. Chiến thắng ở SEA Games 26, đoạt vé đến London 2012 trong chưa đầy nửa năm, cô gái Đà Nẵng nhỏ bé nhưng mạnh mẽ này đã chứng minh chỉ cần có khát khao thì khó khăn đến mấy cũng có thể vượt qua. Đáng nể hơn, Thanh Phúc trở thành VĐV điền kinh đầu tiên của Việt Nam đoạt vé chính thức dự một kỳ Olympic.
Không chỉ Thanh Phúc, những tên tuổi từng ghi tên mình vào bảng huy chương châu lục như Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Vũ Văn Huyện cũng đã khổ luyện, gạt sang bên nhiều thú vui của cuộc sống để cháy hết mình vì sự thịnh vượng của điền kinh Việt Nam. Họ hiểu rằng, thành công trong thể thao và ở mọi lĩnh vực khác nữa đều cần đến sự hy sinh, đánh đổi. Và vì thế, cái giá của sự thành công không đơn giản có thể đong đo, cân đếm được.
THANH LÂM