Bài học từ Hàng Châu

Mô hình xây dựng cơ sở vật chất để đăng cai các sự kiện lớn như Asiad, Olympic và World Cup có một điểm chung: dành lại phần không gian xanh cho đô thị.
Bài học từ Hàng Châu

Công trình mang tính biểu tượng của Asiad 19 không phải là Khu liên hợp thể thao Hoàng Long, nơi có sân vận động của CLB Chiết Giang đang chơi tại giải Super League Trung Quốc, mà lại là Công viên Asiad Hàng Châu trải rộng trên diện tích gần 50ha được triển khai xây dựng từ năm 2018 - với công viên sinh thái mở và bảy công trình kiến trúc phục vụ một số môn thi đấu tại Asiad như khúc côn cầu, bóng bàn, đua thuyền kayak... Trong thời gian diễn ra Asiad, đây còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động ngoài trời. Sau đại hội, công viên sẽ được chuyển đổi thành không gian chung, với một số tòa nhà sẽ chuyển sang khai thác thương mại.

Trong khi đó, khu vực thi đấu chính, tức Khu liên hợp Hoàng Long, sẽ tổ chức thi đấu 22 môn, được nước chủ nhà nâng cấp chứ không xây mới. Quá trình nâng cấp được dựa trên tiêu chí “cải tạo xanh”, tức là không tác động đến môi trường và khi hoàn thành nâng cấp, khu liên hợp này thậm chí còn… “xanh” hơn, thay vì bị bê tông hóa.

Mô hình xây dựng cơ sở vật chất để đăng cai các sự kiện lớn như Asiad, Olympic và World Cup có một điểm chung: dành lại phần không gian xanh cho đô thị. Các điểm thi đấu luôn được xây dựng bên trong một công viên rộng lớn. Xu hướng này khởi phát từ Olympic London 2012, khi đó người ta không gọi nơi thi đấu chính là Complex - Khu phức hợp, mà đặt tên là Park - Công viên. Cách quy hoạch này sẽ giúp quá trình chuyển đổi công năng sau sự kiện dễ dàng hơn nhờ sở hữu một diện tích đất trống rộng lớn bao quanh các khu vực thể thao.

Đây là bài học được rút ra từ sau cuộc khủng hoảng hậu Olympic Athens 2004 của Hy Lạp. Họ xây mới toàn bộ các công trình, tập trung vào một địa điểm và sau đó bỏ hoang vì không thể chuyển đổi công năng. Cũng từ bài học này mà ngay cả nước giàu như Qatar khi tổ chức World Cup 2022 cũng đã cố gắng không xây mới quá nhiều, và nếu có xây thì sẽ có biện pháp sử dụng hiệu quả ngay sau sự kiện, ví dụ như mô hình sân bóng container có thể lắp ráp, di dời để trả lại đất trống dùng cho việc khác.

Asiad 19 tổ chức tại Hàng Châu thậm chí còn được nâng lên một tầm vóc khác trong cách xây dựng và sử dụng các công trình thể thao rất đáng học hỏi. Họ vẫn bỏ ra số tiền lớn, xây dựng một điểm nhấn để quảng bá hình ảnh cho sự kiện, nhưng đó không phải là công trình hoành tráng riêng cho thể thao mà là một công việc chủ đề. Đây là cách làm vừa giải quyết được bài toán tài chính, vừa tạo ra cơ hội đầu tư để thu hồi ngân sách đã bỏ ra nhờ quỹ đất đã có hạ tầng công viên. Bài học này là rất đáng quý nếu Việt Nam có ý định đăng cai một kỳ Asiad trong tương lai, từ việc chọn địa điểm tổ chức cho đến mục tiêu khi bỏ tiền xây dựng.

Tin cùng chuyên mục