Khép lại sự nghiệp lẫy lừng trong màu áo nhiều CLB hàng đầu cũng như ở đội tuyển quốc gia, chủ công Nguyễn Hữu Hà chọn một ngã rẽ không như nhiều người nhận định, tức là làm HLV năng khiếu, rong ruổi khắp các nẻo đường đất nước tìm kiếm những “viên ngọc thô” về đào tạo cho đội nữ Hóa chất Đức Giang Hà Nội…
Gặp Hữu Hà ở Tây Ninh, khi anh cùng lãnh đạo đội bóng Hà Nội bay vào thuyết phục chủ công Wilavan (Thái Lan) nhập quốc tịch Việt Nam và thi đấu cho đội nhà, anh thừa nhận đang “đi tìm một tương lai khác” mới mẻ và đầy thử thách: tuyển chọn VĐV năng khiếu ban đầu. Đấy là công việc gian truân, tốn nhiều tâm sức và nếu không kiên trì thì HLV có thể bỏ cuộc giữa chừng bất cứ lúc nào.
“Tôi thích đương đầu với những thử thách và đấy là lý do tôi từ chối không dẫn dắt đội lớn Hóa chất Đức Giang Hà Nội để chuyên tâm cho việc đi tìm kiếm những tài năng bóng chuyền nữ ở khắp nơi”, Hữu Hà thổ lộ. Cuối năm 2016, đội bóng Hà Nội chính thức giành được chữ ký của chủ công Nguyễn Hữu Hà. Khi đó, ông bầu Đào Hữu Huyền muốn đội trưởng tuyển bóng chuyền nam Việt Nam đảm nhiệm trọng trách HLV trưởng nhưng Hữu Hà từ chối và muốn bắt đầu từ con số 0.
Sau khi kết thúc vòng 1 giải bóng chuyền VĐQG 2017, Hữu Hà chia tay đội 1 và chính thức xuống nắm đội trẻ, trong đó việc đầu tiên của HLV sinh năm 1981 là bắt tay vào tuyển sinh lớp VĐV năng khiếu mới. Hữu Hà chia sẻ: “Có cả một cuộc chiến khốc liệt trong công tác tuyển quân vì miền Bắc có rất nhiều đội bóng mạnh. Ngoài việc đăng tin trên facebook cá nhân, phát tờ rơi, đăng thông báo trên các cơ quan truyền thông, tôi phải đi nhiều nơi, nhờ nhiều trường phổ thông và các đồng nghiệp trong giới bóng chuyền hỗ trợ tìm kiếm VĐV có năng khiếu và đam mê bóng chuyền. Mùa hè này, chúng tôi sẽ trực tiếp tuyển sinh tại các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… Nhọc nhằn nhưng rất thú vị, vì ky vọng sau vài năm huấn luyện, các cháu cho thấy sự tiến bộ vượt bậc, sẵn sàng thay thế cho các đàn chị”.
Hữu Hà tuyển quân cho đội bóng Hóa chất Đức Giang Hà Nội. Ảnh: THIÊN HOÀNG
Học các đàn anh, đàn chị giàu kinh nghiệm ở các đội bóng nữ hàng đầu VTV Bình Điền Long An, Ngân hàng Công thương, Thông tin LVPB, HLV Hữu Hà hy vọng những chuyến đi của mình sẽ giúp đội bóng tuyển chọn được người tài, không chỉ phục vụ nhu cầu con người của đội bóng mà có thể cho cả đội tuyển quốc gia.
VTV Bình Điền Long An, Ngân hàng Công thương, Thông tin LVPB hiện được đánh giá là 3 đội bóng chuyền nữ có những HLV giỏi “săn đầu người” hàng đầu như Lương Khương Thượng, Lương Nguyễn Ngọc Hiền, Nguyễn Thúy Oanh, Nguyễn Tuấn Kiệt, Bùi Huy Sơn. Cách tuyển chọn con người về cơ bản là giống nhau, vẫn là những chuyến đi tìm kiếm khắp các vùng miền của đất nước, sau đó là thuyết phục gia đình cho VĐV vào đội để bắt đầu chu trình huấn luyện kéo dài từ 2-4 năm.
Rõ ràng, khi bóng chuyền Việt Nam đã loại ngoại binh khỏi hệ thống giải đấu chính thức, thì hầu hết các đội bóng đều cảm nhận được sự thiếu hụt VĐV, bắt đầu phải chạy đua tìm kiếm lực lượng. “Cũng có nhiều gia đình liên hệ với chúng tôi muốn cho con em mình theo nghiệp bóng chuyền nhưng tiếc là chiều cao lại không phù hợp. Nhưng cũng có khi chúng tôi gặp những em thấy rất ưng ý vì đáp ứng đủ các tiêu chí đề ra nhưng tiếc rằng gia đình và bản thân các em lại không thích bóng chuyền”, HLV Hữu Hà cho biết thêm.
Hiện tại, đội bóng chuyền Hóa chất Đức Giang Hà Nội đang mở rộng tuyển sinh khắp các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Đây sẽ là lứa VĐV được đội bóng đầu tư rất mạnh với sự giúp sức của chuyên gia Nhật Bản và đưa đi tập huấn tại nước ngoài.
Có thời kỳ, Thông tin LVPB độc chiếm trên mọi mặt trận, mọi giải đấu của bóng chuyền Việt Nam, dựa vào dàn VĐV đồng đều được đào tạo bài bản và được cho là có hệ thống nhất Việt Nam. Đội bóng quân đội không những ổn định về lực lượng VĐV mà còn trở thành nguồn cung cấp VĐV cho các CLB khác khi có nhu cầu vay mượn để tăng cường sức mạnh. Đội ngũ HLV trải đều theo các tuyến và từng là các cựu VĐV xuất sắc, có trình độ, kinh nghiệm và tâm huyết. Tất cả gắn với tính kỷ luật, chất thép, khát vọng người lính để làm nên một lực lượng có chất lượng, bề dày, bản sắc, được thể hiện trong từng buổi tập, từng trận thi đấu giao hữu cho đến mỗi giải quốc gia hay quốc tế.