
Khai xuân phải đi xem bóng chuyền, người dân đất Cổ Loa, Đông Anh (Hà Nội) và Bắc Ninh bảo thế. Và đây cũng chính là nơi diễn ra các giải bóng chuyền hội làng hấp dẫn nhất miền Bắc…
- VUI HƠN GIẢI QUỐC GIA!
Không khó khi chúng tôi được mục sở thị một trong những sân đấu đông khán giả nhất nằm trong giải hội làng ở thôn Dương Ổ, xã Phong Khê (Bắc Ninh). Giới chơi bóng chuyền phủi luôn rỉ tai nhau ở đây đông người tới xem và hấp dẫn nhất trong các hội làng diễn ra thường niên.
Trăm nghe không bằng một thấy, được tận mắt chứng kiến ngay đúng ngày giải đấu được diễn ra (mùng 7 tết âm lịch) thì ai cũng đều cảm nhận không khí cổ vũ rất cuồng nhiệt. Các trận đấu được khởi tranh lúc 9 giờ 30, nhưng từ 2 tiếng trước đó người ta đã ùn ùn kéo tới sân để tìm chỗ ngồi ưng ý.
Theo một thành viên BTC tiết lộ, giải năm nay có không dưới 5.000 người đã xếp ghế ngồi vây kín quanh sân. Với người đến muộn, cách duy nhất để xem được bóng chuyền chỉ là nhốn nháo đứng vòng ngoài hoặc ghé chân ở một bờ tường cao nào đó.

Giải bóng chuyền ở hội làng thậm chí còn đông và vui hơn cả giải quốc gia. Ảnh: Nguyễn Đình
Tất nhiên đã là giải đấu thì phải có quy định, nhưng không nằm ngoài mục đích phục vụ công chúng.
Sân bóng chuyền ở đây được dựng trên nền xi măng, vạch sơn kẻ theo đúng tiêu chuẩn kích thước. Khi trọng tài đã nổi còi khai mạc thì có nghĩa các đội sẽ thi đấu thông tầm (không nghỉ trưa) một lèo tới cuối ngày để kết thúc giải.
Trong trường hợp nhiều đội được mời thì giải mới phải diễn ra thêm 1 ngày nữa. “Vì thế chuyện các cầu thủ vừa ra nghỉ được mời vào mâm cỗ khi đúng 12 giờ trưa, đang gắp dở miếng thịt lại nghe tiếng loa gọi ra sân đánh tiếng là điều rất bình thường”, một cầu thủ chia sẻ.
- HỘI LÀNG NHƯNG ĐẦY NGÔI SAO
| |
Không ngoa khi nhà tổ chức bóng chuyền hội làng thường niên đầu xuân tại Cổ Loa và Dương Ổ đều tự tin khẳng định, giải của họ dù rất nhỏ nhưng không kém tầm giải VĐQG.
Nhìn danh sách thi đấu ở dưới sân đều là dàn hảo thủ đang góp mặt tại giải đội mạnh như Nguyễn Hữu Hà, Lưu Đ T. (S.Biên Phòng), Phạm M T., Phạm T H., Nguyễn V T., Vũ H Q. (Thể Công); Bùi V H. (Tràng An Ninh Bình) hay CLB Tập đoàn Dầu khí Việt Nam còn đủ quân số tới 2 đội trên sân khi có cả Lê B G., Vũ V C., Trần V G., Nguyễn V H., Bùi T T…
Nhìn qua đúng là hên khi số đông khán giả chưa từng có cơ hội vào nhà thi đấu theo dõi nay được tận mắt quan sát gần hơn cầu thủ đẳng cấp.
Nhưng cũng vì miếng cơm manh áo cho cuộc sống nên cầu thủ đành chấp nhận xách giầy tới hội làng tìm thêm thu nhập nuôi vợ con.
Bây giờ, tiền cho ngôi vô địch ở 1 giải hội ít nhất cũng phải 15 triệu. Riêng giải ở Dương Ổ, phần thưởng vô địch đã là 50 triệu đồng và thêm một số khoản tài trợ nữa thì cả đội sẽ ẵm không dưới 80 triệu, và đánh xong nhận “thóc” là chia tận tay từng người.

Hội làng nhưng đâu có thiếu các “hảo thủ” ở ĐTQG. Ảnh: M.C
So với mức lương chưa tới 5 triệu đồng/tháng của nhiều cầu thủ Thể Công thì giải thưởng cũng là mục tiêu để họ nhập cuộc.
Trên hết, khai xuân đầu năm mà chơi ở hội làng cũng là cách cầu may của các cầu thủ bóng chuyền
MINH CHIẾN

Chủ công Nguyễn Hữu Hà (đập bóng) phải giữ cảm giác chơi bóng bằng… hội làng.