Khi chúng tôi kết thúc loạt bài tư liệu lịch sử 17 kỳ World Cup, một số bạn đọc đề nghị SGGP nên có bài tổng kết, nhìn lại chặng đường 76 năm qua, đặc biệt dưới góc độ các thông số kỹ thuật. Quả thực đây là một đề nghị khá mới, rất hấp dẫn và hợp lý, mà chúng tôi không thể chối từ. Vậy nên, trong số báo này, mời bạn đọc tiếp tục cùng chúng tôi dạo qua 17 kỳ World Cup bằng cách bước trên những con số thống kê.
Vô địch của các nhà vô địch

“Hoàng đế bóng đá” Frank Beckenbauer và “Vua bóng đá” Pelé nâng cúp thế giới.
17 lần tổ chức, nhưng chỉ có 7 nhà vô địch được ghi nhận, trong số này, Brazil xứng đáng nhận danh hiệu “Vô địch của các nhà vô địch”, với 5 lần nâng cao cúp vàng (3 lần Jules Rimet và 2 lần FIFA World Cup). Ngoài ra, Brazil còn có 2 lần xếp vị trí á quân vào các năm 1950 và 1998, 2 lần xếp thứ ba các năm 1938 và 1978.
Người Đức xếp ngay sau đó với 3 lần vô địch (1954, 1974, 1990), 4 lần thứ nhì (1966, 1982, 1986, 2002) và 2 lần hạng ba (1934, 1970).
Ý xếp thứ ba cũng với 3 lần vô địch (1934, 1938, 1982), nhưng kém số lần hạng nhì, với chỉ 2 lần (1970, 1994) và duy nhất 1 lần hạng ba (1990).
Argentina (1978, 1986) xếp trên Uruguay (1930, 1950), nhờ có thêm số lần… hạng nhì (1930, 1990), chia nhau hai vị trí thứ tư và năm. Quê hương bóng đá Anh (1966) và “cha đẻ” của Cúp thế giới Pháp (1998) đồng hạng sáu, với 1 lần vô địch, đều đoạt được trên sân nhà.
Các đội Czech (1934, 1962), Hungary (1938, 1954), Hà Lan (1974, 1978) đồng hạng tám, với 2 lần hạng nhì, còn Thụy Điển (1958) 1 lần hạng nhì xếp cuối cùng trên bảng vàng thành tích.
Đó là những số liệu ghi nhận đơn giản, dựa trên thành tích của các đội nằm ở 3 thứ hạng đầu. Tư liệu của SGGP còn có một cách tính khác, dựa trên số trận đấu, trận thắng, hòa, bại của từng đội.
Vô địch... vòng loại
Vậy bạn có biết đã có bao nhiêu đội từng lọt vào vòng chung kết World Cup từ trước đến nay? Tổng cộng có 71 đội. Từ đây, dựa vào cách tính 1 trận thắng cho 3 điểm và hòa 1 điểm thì Brazil vẫn là số 1.
Brazil tham dự đủ 17 kỳ World Cup, đá 87 trận, thắng 60 trận, hòa 14, bại 13 (191 bàn thắng, 82 bàn thua), đạt 194 điểm. Xếp hạng kế tiếp lại là Ý (70 trận, 39 thắng, 17 hòa, 14 thua, 134 điểm), Đức (62, 36, 14, 12, 122 điểm), Argentina (60, 30, 11, 19, 101 điểm), Anh (50, 22, 15, 13, 81 điểm), Pháp (44, 21, 7, 16, 70 điểm), Tây Ban Nha (45, 19, 12, 14, 69 điểm), Nam Tư cũ (37, 16, 8, 13, 56 điểm), Thụy Điển (42, 15, 11, 16, 56 điểm), Uruguay (40, 15, 10, 15, 55 điểm).
Có một điều thú vị là nếu thống kê riêng thành tích đá vòng loại thì Brazil chẳng nghĩa lý gì, do họ vô địch nhiều lần, nên thường được miễn đá loại. Brazil xếp hạng 24/223 đội tuyển, với 73 trận đấu, thắng 46, hòa 18, thua 9, 156 điểm, kém xa “nhà vô địch vòng loại” là Mexico với 123 trận đấu, thắng 81, hòa 26, thua 16, đạt 269 điểm.
Xếp kế tiếp trong bảng xếp hạng này không hề có đội nào từng đoạt cúp vàng là Thụy Điển (200 điểm), Hà Lan (199 điểm), Costa Rica (199 điểm), Bỉ (192 điểm), Tây Ban Nha (190 điểm), Hàn Quốc (188 điểm), Romania (183 điểm) và Bồ Đào Nha (182 điểm).
Vài con số kỷ lục
- Trận thắng đậm nhất vòng chung kết: Hungary-Hàn Quốc 9-0 (1954), Nam Tư cũ-Zaire 9-0 (1974) và Hungary-El Salvador 10-1 (1982).
- Bàn thắng nhanh nhất: Hakan Sukur (Thổ Nhĩ Kỳ) ghi ở giây thứ 11 trận tranh hạng ba gặp Hàn Quốc tại World Cup 2002.
- Cầu thủ dự nhiều World Cup nhất: Thủ môn người Mexico Antonio Carbajal (1950-1966) và tiền vệ người Đức Lothar Matthaus (1982-1998) cùng 5 lần.
- Cầu thủ đá nhiều trận tại vòng chung kết World Cup nhất: Lothar Matthaus, 25 trận.
- Cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất ở vòng chung kết World Cup: Gerd Muller (Đức) 14 bàn (1970-1974).
- Cầu thủ ghi nhiều bàn thắng ở 1 vòng chung kết World Cup nhất: Just Fontaine (Pháp) 1958.
- Cầu thủ lớn tuổi nhất ghi bàn thắng tại vòng chung kết World Cup: Roger Millar (Cameroon) 42 tuổi, 39 ngày, ghi bàn trong trận gặp Nga tại World Cup 1994.
MINH HÙNG