Vấp ngã ở đâu, đứng dậy ở đó

Chúng ta đã có không ít trường hợp tuyển thủ dính chất cấm (doping) trong những giai đoạn trước tuy nhiên họ cũng có sự trở lại để làm tốt công tác chuyên môn mà không thoái trí...
Doping của SEA Games 31 đã có công bố các danh tính cụ thể. Ảnh: MINH MINH
Doping của SEA Games 31 đã có công bố các danh tính cụ thể. Ảnh: MINH MINH

Khi chưa có công bố chính thức danh tính các trường hợp dính doping tại SEA Games 31 mà những tuyển thủ của điền kinh Việt Nam ở diện nghi vấn, nhắc về vấn đề doping, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT và hiện là Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam – ông Đặng Hà Việt từng bày tỏ với báo giới “đây là một cú sốc với thể thao Việt Nam. Chúng ta không bao giờ có chủ trương với doping ở bất cứ trường hợp nào. Tuy nhiên, xét về góc độ con người thì chúng ta cũng phải nhìn rõ vấn đề bởi cá nhân từng em VĐV sẽ gặp ảnh hưởng rất nhiều về câu chuyện này vì phía sau họ vẫn còn quãng thời gian dài cho cuộc sống và sự nghiệp. Do đó, nhà quản lý thể thao phải tìm hiểu nguyên nhân, nguyên do của việc này để có thêm những giáo dục về ý thức và sự nhận biết với các VĐV thể thao nói chung...”.

Ngày 4-5, danh tính 5 tuyển thủ dính doping sau thi đấu tại SEA Games 31 đã được xác nhận. Và như thế, trước mắt họ sẽ là một quãng thời gian ảnh hưởng tới sự nghiệp khi chắc chắn nhận án phạt cấm thi đấu cũng như thành tích huy chương tại SEA Games 31 không được công nhận. Mà trên hết, ngay khi ở diện nghi vấn, cả 5 trường hợp đã được thông báo tới đơn vị chủ quản cũng như không có mặt tại Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 đồng thời đã thôi không lên đội tuyển điền kinh quốc gia từ đầu năm 2023.

Về nhân văn, chúng ta đã có câu tục ngữ “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”. Như thế để hiểu, nhà quản lý thể thao chưa bao giờ muốn chối bỏ những tuyển thủ không may mắn dính doping như thế. Nhiều người trong số họ đã chọn cách lặng im và lui về phía sau tại các đơn vị của mình để toàn tâm tập luyện duy trì rồi hy vọng một ngày có cơ hội trở lại.

Lịch sử thể thao Việt Nam chứng kiến một số trường hợp tuyển thủ đã dính doping trong thi đấu, gặp án cấm và khi kết thúc đã có sự trở lại bằng nỗ lực và tinh thần của mình. Mới nhất có thể kể tới trường hợp lực sĩ Trịnh Văn Vinh của cử tạ. Qua 4 năm gặp án cấm không được thi đấu, Trịnh Văn Vinh từng có những lúc nản chí nhưng với sự động viên và đồng hành của các HLV, bạn bè thì lực sĩ này lấy lại tinh thần duy trì tập luyện. Tháng 2 vừa qua, Trịnh Văn Vinh hết án cấm thi đấu và đã được gọi trở lại đội tuyển quốc gia. Trước Trịnh Văn Vinh, ngôi sao Hoàng Anh Tuấn từng là biểu tượng của thể thao Việt Nam cũng dính án doping và bị cấm thi đấu. Sau rồi, lực sĩ này vượt qua được thời gian cấm thi đấu ấy để trở lại với môi trường thể thao chuyên nghiệp. Còn nhiều trường hợp khác nhưng chúng tôi không tiện nêu tên nhưng rõ ràng, điều cần nhất chính là những đồng đội và người làm thể thao hiểu rõ ngọn nguồn ở từng trường hợp cụ thể.

Như ông Đặng Hà Việt đã phân tích, chúng ta không bao giờ chủ trương với doping. Vì thế, những sự cố của SEA Games 31 sẽ là những tai nạn để đời (qua tìm hiểu, nguyên do là bởi tuyển thủ sử dụng thực phẩm chức năng mà trong đó vô tình có chất cho kết quả dương tính khi kiểm tra mẫu thử).

Vượt qua khó khăn cần một nghị lực lớn. Điều này còn khó hơn khi vượt qua cuộc tranh tài trước các đối thủ mạnh. Dù vậy, những người làm nghề và các đồng đội chắc chắn vẫn luôn động viên 5 tuyển thủ của điền kinh Việt Nam mạnh mẽ hơn tập luyện để chờ ngày trở lại. Qua tìm hiểu, án phạt chính thức của các trường hợp sẽ theo quy định của Liên đoàn điền kinh quốc tế và dựa trên các báo cáo về kết quả doping.

Tin cùng chuyên mục