Kiểu như khi cùng ít cơ hội như nhau thì không ai quan tâm đến chuyện đẩy nhanh chất lượng đội tuyển, nhưng khi thấy “cửa” rộng hơn thì cuộc đua tự nhiên khốc liệt hơn. Có một điều thú vị là 4 quốc gia có dân số đông nhất thế giới là Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ và Indonesia đều rất quyết liệt trong việc nhập tịch cầu thủ. Trong số này, Mỹ thường xuyên dự World Cup và khái niệm “nhập tịch” cầu thủ của họ cũng có nét riêng do đặc thù của một quốc gia đa ngôn ngữ, sắc tộc.
Với 3 nước còn lại, Trung Quốc chỉ mới có một lần duy nhất dự World Cup. Đa số quốc gia khá thận trọng, thông thường họ sẽ vướng rào cản quốc tịch, tùy vào luật lệ của mỗi nước về việc nhập tịch khó hay dễ. Ví dụ như Ấn Độ hiện có nhiều cầu thủ gốc Ấn chơi bóng ở Anh nhưng không thể nhập tịch do Ấn Độ không chấp nhận “2 quốc tịch”. Tuy nhiên, không thể phủ nhận “trào lưu” nhập tịch ngày càng rộ lên ở châu Á. Tại Asian Cup 2023 vừa qua, 20/24 đội đều có cầu thủ nhập tịch dù không hoàn toàn giống nhau về định hướng.
Theo thống kê của báo New Straits Times, Malaysia và Hồng Công (Trung Quốc) là hai đội có số cầu thủ nhập tịch nhiều nhất, với cùng 14 cái tên. Xếp sau là Qatar và Lebanon cùng có 12 cầu thủ nhập tịch. Kế đến lần lượt là Palestine (11), Australia (9), Indonesia và Syria (cùng có 8), Iraq (7), Kyrgyzstan (3), Thái Lan, UAE, Bahrain (cùng có 2), Ấn Độ, Iran, Nhật Bản, Jordan, Oman, Tajikistan, Việt Nam (cùng có 1). Việc sử dụng cầu thủ nhập tịch phổ biến tại Đông Nam Á trong một thập niên qua mục đích là để cải thiện chất lượng đội tuyển quốc gia, “đốt cháy giai đoạn” hòng có thành tích một cách nhanh nhất.
Tuy nhiên không nhiều đội tuyển thành công với chủ trương này. Bởi cốt lõi của vấn đề là cách sử dụng cầu thủ nhập tịch thế nào, mức độ, tỷ lệ ra sao cho phù hợp, chứ không phải nhập tịch hết cả 11 cầu thủ trên sân. Muốn biến nhập tịch thành một chiến lược, cần xác định đâu là các vị trí cần thiết mà mình đang yếu và dùng cầu thủ nhập tịch vào đúng vị trí đó.
Thập niên 90, Nhật Bản nhập tịch ngôi sao gốc Brazil - Wagner Lopes. Chính sự có mặt của tiền đạo “Tây” góp phần quan trọng giúp Nhật lần đầu có vé dự World Cup 1998. Nhận thấy hiệu quả của chiến lược đúng đắn này, người Nhật lại đưa một cầu thủ Brazil khác lên tuyển để tiếp tục công cuộc phát triển bóng đá. Lần này, người được chọn thậm chí còn là một cầu thủ da màu - Alessandro Santos. Cả hai cầu thủ nhập tịch trên đều từng khoác áo Nhật Bản dự World Cup vào các năm 1998 và 2006. Bản thân họ không có một chút nào dòng máu Nhật Bản chảy trong huyết quản, nhưng chính sự có mặt của họ đã gây áp lực to lớn lên rất nhiều cầu thủ Nhật Bản lúc bấy giờ. Nó đã thúc đẩy các cầu thủ nội địa buộc phải tìm cách phấn đấu vượt ngưỡng, nhằm đạt tới trình độ của các cầu thủ nhập tịch. Đến thời điểm này, sau gần 30 năm, có thể nói rằng chiến lược của Nhật Bản đã thành công mỹ mãn.
Giờ đây, đội tuyển Nhật Bản đã không còn phải nhập tịch thêm một cầu thủ nào nữa, bởi cầu thủ của họ đã phát triển tới một trình độ ngang ngửa với châu Âu và Nam Mỹ, mặc dù thể hình của họ vẫn rất thấp bé hơn so với các đồng nghiệp từ châu lục khác. Thành quả đó của người Nhật có sự đóng góp không nhỏ từ các cầu thủ nhập tịch như Lopes và Santos - những người đã dùng sự cạnh tranh của mình để giúp cho cầu thủ nội địa Nhật Bản phát triển vượt bậc.
Người Nhật đã biến việc nhập tịch cầu thủ thành chiến lược vĩ đại để phát triển bóng đá nước nhà, hoàn toàn không có một chút tư duy ăn xổi nào cả.