Trách nhiệm không của riêng ai

Đã có một vài phản ứng từ các câu lạc bộ (CLB) sau khi V-League chỉ mới vừa đá 2 vòng đã phải tạm dừng để đội U23 Việt Nam tập trung dự Vòng chung kết U23 châu Á.

Trách nhiệm không của riêng ai

Có thể hiểu được bức xúc từ phía CLB, tuy nhiên có một thực tế là kế hoạch thi đấu của Asian Cup 2023 và U23 châu Á vốn đã được biết trước từ trước, phía các nhà tổ chức V-League là Công ty VPF đã chuyển cho các CLB kế hoạch thời gian để đóng góp ý kiến nhưng không có phản hồi gì đặc biệt.

Giờ ngưng, lại phản ứng, xem ra không hợp lý. Đáng tiếc đây không phải là lần đầu mà các CLB quên mất “quyền và nghĩa vụ” của mình đối với những lần được lấy ý kiến. Về cơ bản, phải có sự đồng thuận cao thì VPF mới triển khai, thế nên việc V-League phải dừng liên tục, cũng có phần trách nhiệm của CLB.

Ở một số quốc gia, nếu không phải là FIFA Days, giải vô địch quốc gia vẫn sẽ diễn ra chứ không dừng. Tuy nhiên sẽ có thỏa thuận là các tuyển thủ quốc gia nếu được triệu tập, các CLB phải tạo điều kiện để họ lên tuyển.

Công bằng mà nói, bất kỳ sự tiến bộ hay sa sút nào của đội tuyển quốc gia cũng có phần trách nhiệm của CLB. Lấy ví dụ như việc đội tuyển Việt Nam thi đấu kém cỏi suốt một năm qua dưới thời HLV Troussier, nhưng ở góc độ CLB cũng đâu tốt hơn. Đội Hà Nội dừng chân tại vòng bảng AFC Champions League còn Hải Phòng thi đấu không thành công tại AFC Cup, thế là mùa bóng sau, làng bóng Việt Nam không đủ điều kiện dự AFC Champions League. Đây là một mất mát không nhỏ, thế nhưng chưa thấy ai đề cập đến trách nhiệm của CLB.

Từ khi bắt đầu tham gia các cúp châu lục năm 1992 đến nay, thành tích tốt nhất của các CLB Việt Nam là vào bán kết AFC Cup được 2 lần do công của Bình Dương (2009) và Hà Nội (2019). Đây cũng là 2 đội bóng có số lần vô địch V-League nhiều nhất, được đầu tư bài bản và có tham vọng tạo dấu ấn quốc tế.

Điều này có nghĩa đa số những CLB tại Việt Nam hầu như không quan tâm đến việc phát triển ra quốc tế. Thái Lan ngược lại, kể cả khi đội tuyển quốc gia có sa sút, chất lượng thi đấu của các CLB vẫn được duy trì. Nhờ vậy mà Thai-League đều đặn có 1-2 suất dự AFC Champions League hàng năm và thường xuyên có đại diện vượt qua vòng bảng.

Đó chính là lý do mà các CLB Thái Lan sẵn sàng không nhả cầu thủ cho đội tuyển nếu đó không phải là dịp FIFA Days. Họ tự tin “đấu tranh” như vậy cũng vì đã làm đúng trách nhiệm của mình ở các giải đấu quốc tế dành cho CLB. Thực tế, bóng đá Thái Lan có nhiều thành tích châu Á còn hơn cả đội tuyển khi có 2 lần vô địch cúp C1/AFC Champions League. Vì vậy mà họ rất thông thoáng trong việc cho phép nhiều cầu thủ ngoại được đăng ký thi đấu để tăng chất lượng cạnh tranh cho CLB.

Thế nên, phía sau thất bại của đội tuyển quốc gia trong thời gian qua, không nên đổ lỗi hoàn toàn cho HLV Philippe Troussier. Bóng đá Việt Nam khủng khoảng tài năng trẻ, nói cho cùng cũng có liên quan đến sự thờ ơ của các CLB trong việc phát triển những tuyến U hay tham gia các giải bóng đá trẻ mà VFF tổ chức hàng năm. Việc V-League tạm dừng giải đấu để đội U23 tập trung cũng là chuyện mà CLB nên thấy có phần trách nhiệm của mình.

Tin cùng chuyên mục