Thể thao Việt Nam thay đổi để tiếp cận đấu trường Olympic: Xã hội hóa thể thao để rộng đường phát triển

Năm 2008, CLB bóng bàn thuộc Tập đoàn T&T được thành lập nhưng gần như không ai biết đến. Thời điểm đó, đội bóng đá Hà Nội T&T thậm chí còn chưa thăng hạng V-League, vậy mà chỉ 10 năm sau đã trở thành CLB giàu thành tích bậc nhất lịch sử bóng đá Việt Nam.

Đi tìm mô hình kiểu mẫu

Bóng bàn T&T “đi” chậm hơn, nhưng đến năm 2023, hai tay vợt Đinh Anh Hoàng và Trần Mai Ngọc của CLB tư nhân này đã giành được HCV đôi nam - nữ ở SEA Games 32, kèm theo khá nhiều danh hiệu quốc nội. Ông bầu Đỗ Quang Hiển nổi tiếng trong giới bóng đá tuyên bố: Chính ra với bóng bàn, thể thao Việt Nam có cơ hội vươn lên đỉnh cao nhiều hơn cả bóng đá.

Mô hình CLB đa môn của T&T chính là phần đỉnh của chiến lược xã hội hóa thể thao. Nghĩa là các nguồn lực xã hội không chỉ đóng góp cho thể thao qua việc tài trợ, hỗ trợ tài chính mà còn trực tiếp đầu tư, “làm thay” công việc của ngành thể thao từ đào tạo đến huấn luyện tài năng. Đó chính là tấm bản lề để hình thành nên một nền thể thao chuyên nghiệp. Tuy nhiên, những CLB như T&T chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nguyên nhân khiến công tác xã hội hóa không thể đi nhanh và triệt để chính là việc đầu tư cho thể thao quá tốn kém. CLB T&T xây dựng môn bóng bàn từ con số 0, phải rót tiền liên tục để đưa các cựu danh thủ như Vũ Mạnh Cường, Đặng Thành về làm chuyên môn, thu hút các tuyển thủ quốc gia với mức lương cao, nhưng cũng phải hơn chục năm mới có thành quả.

Suốt thời gian đó, gần như T&T không nhận được lợi ích cụ thể nào, may là họ đã thành công rực rỡ ở mảng bóng đá nên mới có đủ sự kiên trì để “nuôi” bóng bàn. Nói như vậy để thấy điều cốt lõi trong chiến lược xã hội hóa thể thao vẫn là cơ chế để thu hút nguồn lực, bởi trên thực tế, chúng ta không thiếu các doanh nghiệp đam mê và thành công trong thể thao như Tập đoàn T&T, Công ty CP Phân bón Bình Điền, Tập đoàn Thái Sơn Nam, Ngân hàng Công thương…

Y6a.jpg
Hai tay vợt Mai Ngọc và Anh Hoàng (CLB bóng bàn T&T) giành HCV đôi nam - nữ tại SEA Games 32. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16-6-2014 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Việc ban hành, đổi mới cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực đầu tư phát triển lĩnh vực thể dục thể thao (TDTT) thời gian qua đã tạo ra hành lang pháp lý cũng như điều kiện thuận lợi cho hoạt động TDTT, các doanh nghiệp TDTT phát triển.

“Kinh tế thể thao Việt Nam còn gặp nhiều rào cản, mà nút thắt lớn nhất chính là các cơ chế, chính sách liên quan đến cơ sở vật chất. Các câu lạc bộ chuyên nghiệp nếu không có sân riêng, cơ sở vật chất không đủ tốt sẽ không bao giờ phát triển được kinh doanh thể thao, bởi vì nguồn thu từ sân vận động là rất lớn. Hiện chúng ta chưa có chính sách giao sân cho các câu lạc bộ để họ chủ động trong việc kinh doanh, tạo thêm nguồn thu”, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt trăn trở.

Định hướng phát triển mới

Trong định hướng phát triển mới, Cục TDTT (Bộ VH-TT-DL) đã làm việc với nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước để tạo mối liên kết với các liên đoàn, hiệp hội thể thao nhằm tạo nguồn kinh phí cùng ngành tham gia đào tạo VĐV tài năng, trong bối cảnh kinh phí của ngành đã bị cắt giảm liên tục trong vài năm trở lại đây. Bên cạnh đó, ngành thể thao cũng khuyến khích các cá nhân, đơn vị ngoài ngành tham gia đầu tư cho công tác đào tạo VĐV năng khiếu, đi thi đấu quốc tế để nâng cao thành tích chuyên môn. Đây cũng là xu hướng phát triển mà thể thao Thái Lan, Malaysia, Singapore… đã thực hiện và đạt được hiệu quả khả quan.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tế, con đường để vươn tầm Thế vận hội (Olympic) khác hoàn toàn với công tác xã hội hóa phong trào, cần có cách làm và mô hình xã hội hóa có tính trọng tâm, có yếu tố chính sách rõ nét hơn. Chúng ta đang nói đến việc chi đầu tư hàng trăm hay thậm chí hàng ngàn tỷ đồng với khoảng thời gian lên đến chục năm liên tục trong khi thành quả thì không ai bảo đảm được. Cho dù nguồn lực xã hội rất lớn, nhưng cũng không thể dàn trải. Mỗi doanh nghiệp đầu tư cho một môn thể thao, hay một nhóm VĐV tài năng thôi, cũng đã là áp lực tài chính nặng nề. Thế nên, không thể xã hội hóa một cách đại trà, mà cần có kế hoạch cụ thể trước khi mời gọi doanh nghiệp tham gia chia sẻ gánh nặng ngân sách.

Thực tế, tại SEA Games 32 vừa qua, tỷ lệ các môn dự giải theo nguồn xã hội hóa chiếm chưa đến 10%. Trong khi đó, hơn 20 năm phát triển bóng đá chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam cũng chỉ tiệm cận tốp 10 châu Á nhưng cũng đánh đổi khá nhiều mất mát với hàng chục doanh nghiệp, hàng ngàn tỷ đồng đầu tư không hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần khai thác nguồn lực xã hội hóa hữu hiệu hơn, nhất là ở khâu đầu tư cơ sở vật chất. Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào sở hữu cơ sở vật chất quy mô như sân vận động, nhà thi đấu riêng khi cơ chế hợp tác công tư và những hoạt động khai thác kinh doanh còn nhiều vướng mắc giữa các bộ ngành và địa phương. Không thể kêu gọi xã hội hóa trong hoạt động đào tạo, huấn luyện tài năng trong khi doanh nghiệp phải đi thuê cơ sở vật chất để tập luyện.

Tóm lại, xã hội hóa là con đường duy nhất để thể thao đỉnh cao Việt Nam có đủ nguồn lực vươn tầm Olympic và cái đích cuối cùng chính là chuyên nghiệp hóa nền thể thao từ VĐV đến doanh nghiệp đầu tư đều nhìn thấy lợi ích cụ thể mới mạnh dạn dấn thân vào các mục đích lớn.

“Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp, đơn vị đã ký hợp đồng tài trợ cho các bộ môn của thể thao TPHCM chính là nỗ lực không chỉ của bộ môn mà còn là của cả ngành trong việc thúc đẩy phong trào xã hội hóa thể thao, tận dụng các nguồn lực để phát triển thể thao trên toàn thành phố. TPHCM với nhiều VĐV nổi trội, đạt thành tích cao ở đấu trường trong nước và quốc tế. Nhưng đâu đó, chúng ta vẫn có những sức ì. Dù rằng các VĐV thành phố có những đóng góp chung cho nền thể thao của cả nước, nhưng chúng ta vẫn thiếu đi một sức bật. Sở VH-TT TPHCM luôn hy vọng công tác xã hội hóa sẽ tạo ra một sức bật mới, một năng lượng mới cho các VĐV của thành phố, vì trong giai đoạn phát triển mới, xã hội hóa sẽ tiếp sức cho sự phát triển của ngành”, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Nguyễn Nam Nhân chia sẻ.

P.MINH ghi


Ngành thể thao phải chủ động tạo nguồn lực tài chính

Phát biểu trong lần làm việc gần nhất với ngành TDTT, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của nguồn lực xã hội hóa đối với thể thao thành tích cao. Cho nên, việc tạo nguồn lực cho thể thao thành tích cao từ 3 nguồn (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và xã hội hóa) là cấp thiết. Trong đó, nguồn xã hội hóa được hiểu là kinh phí từ cá nhân, gia đình VĐV, tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội, liên đoàn thể thao…

Có nghĩa, các bộ môn không thể trông chờ mãi vào nguồn ngân sách và coi đó là giải pháp duy nhất để phát triển thể thao thành tích cao. Không chỉ bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền, golf... mà nhiều môn thể thao khác, cũng có thể huy động được nguồn kinh phí từ xã hội để đầu tư cho VĐV.

Vài năm trở lại đây, kinh phí tập huấn, thi đấu quốc tế đã được một số bộ môn thuộc Cục TDTT tập trung cho một số VĐV trọng điểm để tranh chấp huy chương ở Asiad cũng như giành suất chính thức tham dự Olympic, tuy nhiên, hiệu quả vẫn còn thấp so với một số nền thể thao khác trong khu vực Đông Nam Á. Việc chi tiền ngân sách (vốn đã eo hẹp) cho đấu trường SEA Games với số lượng VĐV đông, dù nhiều môn không nằm trong hệ thống thi đấu chính thức của Olympic, cũng tác động đến việc đầu tư cho các VĐV tài năng hướng đến Asiad hay Olympic.

Thành ra, bên cạnh việc phải tăng ngân sách cho thể thao, ngành TDTT (mà chủ đạo là các bộ môn) cần chủ động tiếp cận, thu hút nguồn lực xã hội hóa cũng như tự kiếm tiền từ các hoạt động kinh tế thể thao để giải quyết bài toán đào tạo, tập huấn và thi đấu quốc tế. Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách mà ngành TDTT được cấp là hơn 800 tỷ đồng mỗi năm từ Nhà nước, thì khó mà vươn tầm châu lục, thế giới.

PHƯƠNG MINH

Tin cùng chuyên mục