Thực chất thì trước đó, hồi tháng 1-2018 ở Thường Châu (Trung Quốc), ông thầy người Hàn Quốc và các học trò đã làm nên lịch sử của bóng đá trẻ châu Á khi giành vị trí á quân. Tuy nhiên sòng phẳng mà nói, tính từ sau năm 1975, ở đấu trường Asiad, Việt Nam chưa một lần vào bán kết môn bóng đá nam, so với Thái Lan từng bốn lần nằm trong nhóm đệ tứ anh hào vào các năm 1990, 1998, 2002 và 2014.
Lâu nay nhiều quan chức của làng cầu nội cứ “say” với cái huy chương vàng SEA Games mà quên mất, bóng đá Việt Nam còn nhiều thứ khác đáng để chờ đợi hơn. Hãy nhìn U23 Việt Nam thể hiện ở vòng chung kết U23 châu Á và gần hơn là Olympic Việt Nam tại Asiad trên đất Indonesia mới thấy, cái nguy hiểm và quá tốn thời gian cho giấc mơ vàng SEA Games là càng bám vào càng chuốc thêm phiền não.
Đấy là lý do khiến ông chia sẻ với truyền thông quê nhà rằng, bóng đá Việt Nam đừng quá nặng nề với thất bại tại SEA Games 29 – 2017 mà hãy tập trung vào các mặt trận đội tuyển đang tham gia để có những con tính hướng đến cột mốc xa hơn.
Từ chiến tích lần đầu tiên thầy Park dẫn dắt U23 Việt Nam vào chung kết giải U23 châu lục thì ở đại hội thể thao châu Á này, ông đang nuôi mộng tái lập lịch sử. Điều này chẳng phải là ước vọng viễn vông của HLV Park. Ấy là nhờ hiểu biết nhiều lẫn nắm bắt làng bóng châu Á, nhất là đội bóng quê hương Hàn Quốc hoặc Uzbekistan mà ông từng chạm trán ở đất Thường Châu (Trung Quốc), có thể sẽ gặp tại bán kết. Dĩ nhiên, điều kiện cần là Olympic Việt Nam phải vượt qua Syria trước đã.
Đúng là ông Park đang rất nhức đầu khi muốn giúp bóng đá Việt Nam sang trang mới, sau chiếc huy chương bạc châu Á mà nhiều đối thủ cho rằng U23 Việt Nam có được là nhờ lối chơi tử thủ (!?).
Khả năng HLV Park giúp VFF lẫn khán giả cả nước thỏa mãn về một suất vào bán kết Asiad 18 là có thể. Nếu được vậy, chắc chắn ông sẽ còn lên giá nữa trong mắt không chỉ người hâm mộ trong nước mà làng bóng châu lục cũng thay đổi cái nhìn với bóng đá Việt Nam mỗi khi ra biển.