SEA Games 32: Thua chung kết nhưng cầu thủ nữ Việt Nam hoàn toàn ngẩng cao đầu

Chúng ta đã có mặt tại trận chung kết cuối cùng để tranh HCV nội dung bóng chuyền nữ trong nhà của SEA Games 32 và dù chưa có được chiên thắng cuối cùng nhưng sự thể hiện là chấp nhận được.
Chủ công Trần Thị Thanh Thúy đã nỗ lực trong trận chung kết và chúng ta chơi giằng co với đối thủ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Chủ công Trần Thị Thanh Thúy đã nỗ lực trong trận chung kết và chúng ta chơi giằng co với đối thủ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chung kết nội dung bóng chuyền nữ của SEA Games 32 thi đấu tối muộn ngày 14-5 là cuộc đấu giữa đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam và Thái Lan. Đây là lần thứ ba liên tiếp, trước đó là tại SEA Games 2019 và SEA Games 2021, chúng ta gặp bóng chuyền nữ Thái Lan tại chung kết của SEA Games.

Tính chất căng thẳng được thấy rõ trước khi vào trận bởi khán đài của nhà thi đấu đã đầy đủ khán giả của hai bên cổ vũ bằng những tiếng hò reo lớn nhất.

Dưới sân, HLV Nguyễn Tuấn Kiệt không muốn các cầu thủ bị mất tinh thần mà úy lạo học trò ra sân cứ chơi hết mình, không e dè đối thủ. Vì thế, những mũi đập chính như Trần Thị Thanh Thúy, Hoàng Thị Kiều Trinh, Nguyễn Thị Trinh cùng cầu thủ chuyền hai Đoàn Thị Lâm Oanh được sắm vai chính trên sân. Cùng với họ, ông Kiệt liên tục thay đổi xoay vòng để đưa Vi Thị Như Quỳnh, Đoàn Thị Xuân, Trần Tú Linh hay Lý Thị Luyến, Đinh Thị Trà Giang... thay nhau ra vào trong các hiệp đấu.

Bên kia mành lưới, HLV người Thái Danai Sriwatcharamethakul cho thấy kinh nghiệm điều chuyển nhân sự để có những chốt chặn quan trọng hàng chắn phía trên đồng thời cầu thủ tấn công chơi hiệu quả làm cho hàng chắn Việt Nam bất ngờ. Vì vậy, các mũi đánh tốt của đội nữ Thái Lan vẫn hướng về Chatchu-on rồi Ajcharaporn và Pimpichaya hay Darin Pinsuwan.

Ván đầu, đội nữ Thái Lan nhập cuộc tốt hơn và các tay đập chủ công cùng đối chuyền liên tục đẩy hàng chắn cầu thủ Việt Nam vào thế phòng thủ vất vả. Kết thúc ván này, cầu thủ Thái Lan thắng 25/17.

Vi Thị Như Quỳnh đã chơi tốt nhưng nhiều thời điểm cô lại phát bóng hỏng làm chúng ta mất điểm đáng tiếc. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Vi Thị Như Quỳnh đã chơi tốt nhưng nhiều thời điểm cô lại phát bóng hỏng làm chúng ta mất điểm đáng tiếc. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Thế trận trở lại cân bằng ở ván thứ hai khi chúng ta chơi thăng hoa hơn. Đặc biệt khi có tinh thần cao nhất, những quả đập sau vạch 3m của chủ công Trần Thị Thanh Thúy làm khó các tay chắn của Thái Lan nên chúng ta vượt đối thủ thắng lại 25/21.

Ván thứ ba thật sự là ván đấu của sự cân não và là ván đấu hay nhất từ đầu SEA Games 32 tới nay. Cầu thủ hai bên giằng co nhau từng điểm. Mỗi khi Việt Nam lên điểm thì Thái Lan cũng giành lại điểm tạo thế cân bằng hoặc có lúc Thái Lan vượt lên nhưng chúng ta cũng kìm lại để không bị xa về khoảng cách. Điểm số cứ thế kéo tới điểm thứ 30 thì cầu thủ Thái Lan đã nhỉnh hơn và trong một lỗi đáng tiếc, chúng ta thua 30/32. Ván thứ tư đã không còn là lợi thế cho cầu thủ Việt Nam bởi thể lực của học trò HLV Nguyễn Tuấn Kiệt gần như đã bị bào mòn và chúng ta thua 21/25. Thua chung cuộc 1-3, đội tuyển nữ Việt Nam nhận HCB trong khi bóng chuyền nữ Thái Lan bảo vệ thành công ngôi vô địch.

Tuy vậy, trận thua này hoàn toàn không phải một kết quả thất vọng bởi nhìn xa hơn, cầu thủ bóng chuyền nữ Việt Nam đã chơi với một tinh thần cống hiến và có chuyên môn cao.

Hàng chắn của bóng chuyền nữ Việt Nam luôn căng mình chống đỡ các pha đập của đối phương. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Hàng chắn của bóng chuyền nữ Việt Nam luôn căng mình chống đỡ các pha đập của đối phương. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

“Chúng ta vẫn thua các bạn ở một số thời điểm bởi cầu thủ của bạn là những người có trình độ. Tuy nhiên, điều tôi mừng nhất là cầu thủ chúng ta không e dè trước đối thủ và chơi tự tin. Chỉ tiếc một chút là yếu tố thể lực làm ảnh hưởng nhiều ở kết quả cuối cùng”, HLV Nguyễn Tuấn Kiệt bày tỏ.

Tại trận tranh HCĐ, đội nữ Indonesia thắng Philippines và có vị trí hạng ba chung cuộc.

Tin cùng chuyên mục