
Trong lĩnh vực bóng đá, báo chí làm khổ người khác cũng nhiều và bị người khác làm khổ cũng không ít.
1. Có nhiều cách làm khổ báo chí. Cách thứ nhất là tự đặt mình vào thế đối địch với giới truyền thông. Ở Việt Nam, các huấn luyện viên Alfred Riedl, Henrique Calisto, Lê Thụy Hải không ít lần hậm hực “tẩy chay” báo chí vì những bất đồng quan điểm là một ví dụ.
Bên trời Tây, cựu HLV đội tuyển Pháp, Aime Jacquet, từng giận tờ Equipe đến mức không thèm nhìn mặt, thậm chí không thèm chấp nhận cả lời xin lỗi của tờ báo này. “Người đặc biệt” Mourinho khi sang dẫn dắt đội Inter Milan, trong một cơn bực tức đã không ngại “phun châu nhả ngọc” để mạt sát, sỉ nhục giới truyền thông Ý: “Tôi không thích bọn điếm trí thức”...
2. Cách thứ hai là đẩy báo chí vào chỗ lúng túng. Ví dụ điển hình là cách hành xử của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF): Trong vụ xử phạt Lê Công Vinh, sau khi ban khiếu nại chê ban kỷ luật không hiểu biết gì về luật, đến lượt ông chủ tịch hội đồng trọng tài bảo ban khiếu nại mới là những người dốt luật khiến cánh báo chí ngẩn tò te hổng biết ai đúng ai sai.
Riêng người viết bài này thì bị ông Chu Hồng Thanh, trưởng ban khiếu nại VFF, dồn vào tình thế cực kỳ hoang mang khi nghe cách ông lập luận để chuyển Công Vinh từ tội danh “có hành động, cử chỉ, lời nói thiếu văn hóa” sang tội danh “phản ứng trọng tài” để “chạy tội” cho cầu thủ này.
Ông luật sư này cố tình không hiểu (hoặc không hiểu thật?) rằng “phản ứng trọng tài” là cụm từ để chỉ hành vi, còn “khiếm nhã hay không khiếm nhã”, “văn hóa hay không văn hóa” là cụm từ để chỉ tính chất của hành vi đó. Lập luận theo kiểu của ông chẳng khác nào bảo cái việc vái lạy trọng tài đến 3 lần của Công Vinh là “hành vi phản ứng trọng tài nhưng... có văn hóa, không hề khiếm nhã”(?).
Cứ theo cách lập luận kỳ quặc này thì bất cứ một phản ứng nào không đụng chạm hoặc đe dọa tính mạng trọng tài đều không bị coi là “thiếu văn hóa”, kể cả hành vi giơ “ngón tay thối” hay... chổng mông vô mặt trọng tài. Ở đây có thể chỉ ra ngay: Đây là sự lợi dụng sự thiếu chặt chẽ của các quy định về kỷ luật để đánh tráo các khái niệm nhằm góp phần làm cho luật pháp... giảm tính răn đe và giáo dục, nghĩa là bớt nghiêm minh hơn!

Messi.
3. Còn có một cách khác gây khó khăn cho báo chí - cách “vương đạo”. Như gần đây, báo chí thế giới khổ lên khổ xuống với Messi. Nhưng có lẽ chưa bao giờ các ký giả thể thao lại sung sướng khi bị một cầu thủ “hành hạ” đến vậy.
Họ vô cùng bối rối khi không tìm ra những từ ngữ đích đáng và mới mẻ để ca tụng cầu thủ đầy ma thuật này. Bao nhiêu từ ngữ hoa mỹ nhất, bao nhiêu lối so sánh ấn tượng nhất họ đã đem ra dùng cả rồi. Như chúng ta đã biết, giới báo chí thể thao là vua sáng tạo từ ngữ. Những từ “đại ngôn” nhất, “rổn rảng” nhất đều xuất xứ từ giới này.
Cầm bất cứ bài báo thể thao nào lên, giũ mạnh một cái thế nào cũng rơi tung tóe hàng đống những từ ngữ kêu như chuông. Thế mà trước tài năng của Messi, giới báo chí thể thao coi như cạn hết vốn liếng. Những gì có thể xài họ đã xài cả rồi.
Họ khen Messi là “cầu thủ xuất sắc nhất thế giới”. Ôi, xoàng quá! Năm ngoái anh chẳng đã thâu tóm tất cả các danh hiệu cá nhân trong mọi cuộc bầu chọn đó sao! “Nhất thế giới” là đương nhiên rồi, khen gì mà khen! Có “sỉ nhục” Messi thì có! Thế là có người nghĩ ra: “là cầu thủ sánh ngang với Pele và Maradona”, rồi sợ Maradona giận, bèn sửa lại chút đỉnh “Messi và Maradona giỏi ngang nhau, nhưng Messi... nhanh hơn”.
Có người chả sợ trời sợ đất, thẳng toẹt luôn “Messi là cầu thủ xuất sắc nhất trong lịch sử”, nghĩa là... trên tài Pele và Maradona một bậc, mặc cho Messi khiêm tốn “So sánh tôi với Maradona là xúc phạm ông ấy”. Nhưng ngay cả Maradona khi được kênh phát thanh Radio Cooperativa của Tây Ban Nha yêu cầu so sánh ông và Messi cũng thừa nhận một cách lịch sự, điều hiếm thấy ở thiên tài kiêu ngạo này: “Tôi không thích mọi sự so sánh. Nhưng nếu có ai đó sánh ngang hoặc vượt qua tôi để trở thành cầu thủ số một trong lịch sử, tôi chỉ muốn đó là một người đồng hương Argentina. Nếu Messi làm được như thế, tôi sẽ rất vui lòng”.
Tất nhiên, Maradona lần đầu tiên nói nhún như vậy vì Messi là cầu thủ đồng hương với ông đã đành, nhưng nếu tài năng của Messi không chinh phục được Maradona thì không có áp lực nào buộc được ông phải phát biểu hòa nhã như vậy.
4. Trong những ngày này, báo chí trên toàn cầu vẫn tiếp tục vắt kiệt chất xám một cách khổ sở để lục lọi và sáng tác ra những hình ảnh, những lối ví von xứng đáng với những gì Messi đang trình diễn. Có cảm giác ngôn ngữ đang bất lực trước tài năng kỳ diệu của chàng trai 22 tuổi này. Người ta đành lặp đi lặp lại các mỹ từ “chói sáng”, “đáng sợ”, “phi thường”, “xuất chúng”, “vĩ đại”, “siêu việt”, “siêu nhân”, “vô song”, “thiên tài”, “người ngoài hành tinh”, kể cả... “đấng cứu thế” để nói về anh. Khi Messi và Barca chiến thắng, họ không gọi “thắng” mà “cường điệu” là “trừng phạt”, “nhấn chìm”, “nghiền nát”, “hủy diệt”, “tàn sát”, “làm gỏi”... đối phương.
Nhưng tất cả những cách nói đó đều cũ kỹ, sáo mòn, chả có gì ấn tượng. Ôi, khổ thân các nhà báo! Dù sao ngôn ngữ cũng cần có thời gian để theo kịp các hiện tượng. Bao giờ cũng vậy, cuộc sống có trước rồi ngôn ngữ mới lẽo đẽo đi theo để mô tả cái cuộc sống đó.
5. Mà “hiện tượng Messi” đúng là kỳ quái. Hiếm có cầu thủ nào mà tài năng đủ sức chinh phục cả các đối thủ như anh. Sau khi Barca của Messi loại Arsenal ra khỏi Champions League, báo chí Anh xuýt xoa “Màn trình diễn của Messi quả xuất chúng” (BBC), “Một mình Messi nghiền nát Arsenal” (Guardian)...
Báo chí thủ đô Madrid - đại kình địch của Barca - cũng vượt lên trên sự thù địch để trầm trồ “Đẳng cấp của Messi hiện nay vượt trội các cầu thủ khác” (AS), “Cả thế giới phải ngả nón trước Messi” (Marca)... Thêm một điều nữa: tài năng kỳ diệu của Messi vô tình giúp các bại tướng của anh tránh được búa rìu dư luận khi thua trận, bởi thua ai chứ thua Messi thì chẳng có gì đáng trách.
Sau khi bị Messi “nã” một cú hattrick vào lưới dẫn tới trận thua 2-4 trước Barca, HLV Jose Aurelio Gay của Zaragoza tỉnh bơ “Đội tụi tôi chơi đâu có tệ. Nhưng Messi đá còn hay hơn Maradona, tụi tui đá sao lại”.
Các cầu thủ Arsenal cũng thế, sau khi bị Barca loại khỏi Champions League, họ vui vẻ đồng thanh ca ngợi đối thủ. Thủ thành Manuel Almunia thú nhận: “Chúng tôi bị đánh bại bởi một cầu thủ tuyệt đỉnh. Bạn không thể đoán trước những gì Messi định làm”.
Hậu vệ Silvestre thở dài: “Kèm Messi là một nhiệm vụ bất khả thi. Anh ta có khả năng đọc trận đấu và di chuyển kỳ diệu”. Tiền đạo Bendtner tóm gọn: “Một sự phi thường”. Ngay cả HLV khó tính Arsene Wenger cũng phải lắc đầu ngán ngẩm: “Màn trình diễn của Messi giống như cầu thủ ảo trong trò chơi PlayStation chứ không phải ở thế giới bình thường”.
Chà, chỗ này thì báo chí thể thao quốc tế mừng húm. Trong khi họ đang lúng túng thì lối so sánh độc đáo của Wenger khiến họ mừng như bắt được vàng. Thế là ngày hôm sau hàng loạt tờ báo tung câu này lên như tin vedette. Nhưng Wenger chỉ giúp họ được chút xíu đó thôi. Sắp tới nếu Messi tiếp tục tỏa sáng, chắc chắn họ sẽ còn đau khổ dài dài! Tội nghiệp nhà báo ghê!
CHU ĐÌNH NGẠN