Man.United sẽ vượt mốc 200 triệu bảng

Tính trong phạm vi một mùa giải, số tiền lớn nhất mà Man.City từng chi ra trước đây là 148 triệu bảng Anh, ở mùa bóng 2009-2010. Vào lúc đó, đã có rất nhiều người tròn xoe mắt kinh ngạc, đã có một ông già khả kính dè bỉu City là “gã hàng xóm ồn ào” trong khi nhiều người khác giật mình nhận ra rằng các ông hoàng tỷ phú của City còn mạnh hơn Abramovich của Chelsea. Nói chung, con số ấy đã tạo ra một cú rung động mạnh vào ngày ấy.

Thế mà vẫn còn thua sức mua cầu thủ của Man.United bây giờ - đây là nói về sức mua thuần túy, chưa bàn đến chuyện mua hiệu quả hay không. Chỉ trong vài tháng hè 2014, họ đã chi không dưới 150,1 triệu bảng Anh vào lực lượng mới và kỷ lục này sẽ không dừng lại. Theo báo chí Anh, nếu cảm thấy hơn 150 triệu đó vẫn chưa đủ để đưa Man.United trở lại vị trí độc tôn ở Premier League, nhà cầm quân Van Gaal sẽ tiếp tục lùng sục thị trường chuyển nhượng giữa mùa vào tháng 1-2015. Khi ấy, cột mốc 200 triệu bảng Anh sẽ dễ dàng bị vượt qua.

Van Gaal (trái) chỉ chờ Kevin Strootman bình phục là đưa ra đề nghị 25 triệu bảng đến Roma.

Ông ta cần tăng cường khu vực nào thì dư luận đã đề cập quá nhiều rồi: Trước nhất là khu vực trung vệ. Mục tiêu Mats Hummels coi như đã vô vọng, vì Dortmund kiên quyết không bán và cũng chẳng có ý định đổi chác-các-bù với bất cứ ai. Điều này đương nhiên sẽ buộc Van Gaal tìm mục tiêu mới, nhưng cái “sự đời” ở đây là nếu tìm được đội nào chịu bán một trung vệ tương đương Hummels thì gần như chắc chắn một điều rằng Van Gaal sẽ phải trả nhiều tiền hơn. Thị trường mùa đông vốn hiếm hàng xịn hơn mùa hè và đã hiếm thì không thể rẻ.

Sau trung vệ, hàng tiền vệ cũng cần được tăng cường. Báo chí Anh bảo rằng Van Gaal chỉ chờ Kevin Strootman bình phục hẳn chấn thương đầu gối là đặt ngay 25 triệu bảng Anh ra bàn để đề nghị Roma chuyển nhượng cầu thủ này. Bên cạnh đó, ông cũng vẫn không rời mắt khỏi Arturo Vidal (ước tính 30 triệu bảng Anh) và Nigel de Jong (8 triệu bảng), vốn là những cầu thủ mà Man.United lẽ ra đã có thể mua trong mùa hè vừa qua nhưng rốt cuộc lại phải chờ đến tháng 1 năm sau. Những đích nhắm ấy dư sức cộng thêm hơn 50 triệu bảng vào con số 150,1 triệu đã chi hồi mùa hè.

Và đó mới chỉ là tiền mua (hoặc... thuê) cầu thủ, chưa nói đến tiền trả lương cho họ. Dạng tiền này ít được công bố, ít được biết đến hơn, nhưng nó rất đáng kể. Chẳng hạn như trường hợp của tiền đạo Radamel Falcao. Thuê anh ta một mùa, Man.United chỉ phải trả 6 triệu bảng Anh cho Monaco nhưng sẽ phải trả lương Falcao hơn 1,14 triệu bảng mỗi tháng - tức là cộng lại tất cả sẽ thành gần 20 triệu cho 12 tháng. Để rồi sau 12 tháng ngắn ngủi ấy, nếu muốn mua hẳn Falcao thì Man.United còn phải trả Monaco thêm 43,4 triệu bảng (55 triệu eur) nữa!

Câu hỏi đặt ra ở đây: Man.United lấy tiền đâu ra mà nhiều vậy? Câu trả lời nằm ở hàng chục bản hợp đồng truyền hình/tài trợ/quảng cáo vốn đang đều đặn rót những nguồn thu khổng lồ vào tài khoản của Man.United. Theo chuyên gia phân tích tài chính Andy Green, với lợi nhuận hàng năm vào khoảng 130 triệu bảng Anh (chưa tính hưởng lãi suất) thì Man.United hoàn toàn có thể ngắt ra 100 triệu và quẳng vào thị trường chuyển nhượng một cách đều đặn.

Nói cách khác, tài chính của Man.United mạnh đến mức mùa nào họ cũng có thể dễ dàng mua một cặp giống như Di Maria-Falcao. Còn cái chuyện mua về có nhiều quá hay không, chật chội hay không, phù hợp hay không và hiệu quả hay không... thì để bàn sau vậy.

Tiến Minh

*****

Liệu Van Gaal có đi ngược truyền thống?

Đại diện cho những tiếng nói đầy lo lắng về việc tuyển quân hiện nay, cựu trợ lý Phelan của Sir Alex Ferguson cảnh báo rằng đương kim HLV trưởng Van Gaal đang từng bước làm thui chột thế mạnh đào tạo trẻ tại CLB này.

Mối lo ấy rất có cơ sở: Trong 6 cầu thủ vừa được đưa về Old Trafford với tổng giá trị hơn 150 triệu bảng Anh, chỉ có một cầu thủ bản địa (hậu vệ Luke Shaw) và chưa chi đã bị Van Gaal chê bai. Cả 5 cầu thủ còn lại đều là nước ngoài: 2 cầu thủ Argentina (Di Maria, Marcos Rojo), 1 cầu thủ Colombia (Falcao), 1 Mexico (Ander Herrera) và 1 Hà Lan (Daley Blind). Đã vậy, Van Gaal lại còn bán mất tiền đạo Danny Welbeck (sang Arsenal với giá 16 triệu bảng), vốn là 1 cầu thủ địa phương được chính Man.United đưa lên từ tuyến trẻ. Nhìn chung, sự “bài nội” ấy được xem là đang đi ngược lại truyền thống tự hào của một CLB từng tạo nên những huyền thoại George Best, Bobby Charlton, Duncan Edwards cũng như thế hệ nổi tiếng của Ryan Giggs, Beckham, Paul Scholes và anh em nhà Neville.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo Man.United đã lên tiếng bênh vực Van Gaal. Họ khẳng định ông vẫn ưu ái phát triển cầu thủ trẻ của CLB, bằng chứng là Van Gaal đã lần lượt đưa những Tyler Blackett, Jesse Lingard, Reece James và Michael Keane vào đội hình hạng Nhất ngay từ những ngày đầu nhậm chức. Một dẫn chứng khác của ban lãnh đạo: danh sách 25 cầu thủ mà Van Gaal đăng ký thi đấu ở Premier League có không dưới 12 cầu thủ được đào tạo trong nước, nhiều hơn hẳn so với Arsenal, Man.City và Chelsea.

Phương Lan

Tin cùng chuyên mục