Grand Prix bóng chuyền Việt Nam 2010: Sinh ra giữa thời loạn

Ý tưởng cho ra đời giải Grand Prix của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) rõ ràng rất hữu ích và được xem như một bước thử nghiệm. Tuy nhiên, nếu cái bước thử nghiệm này ra đời sớm hơn một chút, hoặc xuất hiện không đụng thời điểm “loạn xị ngầu” nhiều giải đấu như hiện tại thì có lẽ nó sẽ ổn hơn…
Grand Prix bóng chuyền Việt Nam 2010: Sinh ra giữa thời loạn

Ý tưởng cho ra đời giải Grand Prix của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) rõ ràng rất hữu ích và được xem như một bước thử nghiệm. Tuy nhiên, nếu cái bước thử nghiệm này ra đời sớm hơn một chút, hoặc xuất hiện không đụng thời điểm “loạn xị ngầu” nhiều giải đấu như hiện tại thì có lẽ nó sẽ ổn hơn…

No dồn, đói góp 

Chưa bao giờ, đời sống bóng chuyền Việt Nam lại sôi động như hiện nay. Vô số các giải đấu ra đời, tạo thêm cơ hội cho các đội bóng được đua tranh, kiểm chứng lực lượng trước và sau giải VĐQG. Thế nhưng, nói như một HLV có uy tín thì tình trạng bùng nổ này chẳng khác gì đẩy bóng chuyền Việt Nam vào cảnh “no dồn, đói góp”.

Năm nay, người ta có thể hồ hởi về sự đông đúc của giải đấu được các nhà tài trợ sẵn sàng chi tiền mạnh tay, nhưng chắc gì sang năm đã được như thế khi ngay chính các nhà tài trợ cũng cảm thấy ngán ngẩm trước sự èo uột về số lượng khán giả lẫn quy mô quảng bá hình ảnh. Thành ra, bước thử nghiệm của VFV về hệ thống thi đấu mới lại giống như đang “đè” lên chính cái đuôi của mình.

Giữa thời “loạn các giải đấu”, Grand Prix - một mô hình phát triển nghiêm túc - bỗng chốc trở nên thừa thãi. Vấn đề là cách lựa chọn thời điểm cho ra đời giải đấu này hình như chưa thích hợp cho lắm. Vì theo một số nhà chuyên môn, nếu sự kiện này xuất hiện sau khi vòng 2 giải VĐQG 2010 kết thúc, có lẽ sẽ tạo được sức hút hơn, thay vì chính giải đấu này phải oằn lên chịu một viễn cảnh sa sút về chất lượng.

Một loạt giải đấu bóng chuyền diễn ra chỉ trong thời gian ngắn vừa qua đã khiến giải Grand Prix sắp diễn ra bỗng trở nên thừa thãi. Ảnh: NGUYỄN NHÂN
Một loạt giải đấu bóng chuyền diễn ra chỉ trong thời gian ngắn vừa qua đã khiến giải Grand Prix sắp diễn ra bỗng trở nên thừa thãi. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Thực tế, dù VFV chỉ coi đây là bước thử nghiệm nhằm chỉn chu hơn cho những lần tổ chức sau. Tuy nhiên, nếu khéo léo thì trước khi “khai sinh” Grand Prix, VFV nên hạn chế một số giải thừa thãi, hoặc chỉ mang tính chất “vui là chính” để giữ tiếng cho “đứa con” của mình. Bởi dù sao, Grand Prix cũng được đánh giá là giải đấu chính thống, quy tụ 8 đội nam và 8 đội nữ hàng đầu Việt Nam.

Ông Nguyễn Bá Nghị - Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn của VFV thừa nhận: “Đúng là chúng ta đang chóng mặt với số lượng các giải đấu thật. Đưa Grand Prix vào thử nghiệm là hướng đi đúng đắn, nhưng đồng thời cũng phải nghĩ đến việc co bớt một số giải đấu lại để đảm bảo chất lượng cho sự kiện này. Tôi đã góp ý điều này với Ban tổ chức thi đấu của Liên đoàn, nhưng như mọi người đều thấy, tình hình đang ngày càng phức tạp”.

Ban đầu, Khánh Hòa được chọn là nơi đăng cai Grand Prix lần thứ nhất vào cuối tháng 5, nhưng rốt cuộc người làm bóng chuyền xứ biển lại lắc đầu không nhận, có thể vì lý do kinh phí, hoặc cũng có thể vì ngán tổ chức giải mà vắng khán giả. Vì thế, giải lại được đưa lên Phú Thọ, nơi mới tháng trước vừa diễn ra Cúp Hùng Vương và lượng khán giả đến xem rất ít, nên thật khó kỳ vọng nhiều vào điều này ở Grand Prix 2010 được.

Chỉ giải quyết khâu... kiếm tiền? 

Trước đây, khi đời sống bóng chuyền còn thiếu thốn, nên cứ đến giải là khán giả chen chúc nhau vào sân. Nhưng nay, khi “cơn bão” các giải đấu nổ ra và độ chênh về trình độ chuyên môn của các giải tổ chức liền kề nhau, khiến những người yêu quý bóng chuyền phải đắn đo giữa việc nên hay không nên mua vé đến sân.

VFV cũng thừa hiểu, lịch đấu dày đặc của các loại Cúp là nguyên nhân lớn khiến chất lượng giảm sút. Thậm chí thời gian hồi phục cho các đội bóng không đủ, chưa kể nhiều cầu thủ dính chấn thương nhẹ, hoặc quen với mật độ thi đấu 3-4 giải/mùa bóng, nên đôi khi thi đấu ở mức độ “giao tế” là chính, hay nói như nhiều HLV, đấu để kiếm tiền, giúp các VĐV cải thiện thu nhập. Chính điều này theo ông Nguyễn Bá Nghị, sẽ nảy sinh thêm một thực tế: “Một số đội bóng sẽ lại mượn quân của nhau ì xèo, và chưa nghiêm túc lắm với công tác đào tạo lứa VĐV kế cận. Mượn người đánh xong giải rồi trả lại, tốn chút tiền, nhưng biết đâu lại tìm được danh phận”.

Tình trạng hỗn loạn như hiện nay nếu kéo dài sẽ đẩy các đội bóng đến chỗ quá tải, VĐV mệt mỏi với lịch thi đấu dày đặc, còn VFV thì chắc chắn loay hoay với mớ bòng bong do chính mình tạo ra…

LÊ QUANG

Tin cùng chuyên mục