Cuộc phô trương công nghệ

Không hẹn mà gặp, 3 sự kiện thể thao có thể nói là lớn nhất hành tinh liên tiếp được tổ chức tại châu Á: Olympic Tokyo 2020 (tổ chức năm 2021), World Cup Qatar 2022 và Asiad Hàng Châu 2022 (tổ chức 2023). Không có gì bất ngờ khi thế giới chứng kiến một cuộc chơi công nghệ hoành tráng đậm đà bản sắc của từng quốc gia đăng cai.

Nếu như Qatar “chẳng có gì ngoài… tiền” và việc tổ chức World Cup chịu sự chi phối chính từ FIFA nên chủ yếu là cung cấp các dịch vụ mang tính chất tiện ích, xa hoa cùng nền tảng công nghệ chung của bóng đá thế giới, thì 2 quốc gia chủ nhà còn lại là Nhật Bản và Trung Quốc lại có sự khác biệt trong việc ứng dụng công nghệ khi tổ chức Olympic, Asiad.

Tại Olympic Tokyo 2020, Nhật Bản tập trung vào nền tảng công nghệ kỹ thuật cao, có tính ứng dụng sâu vào hoạt động trải nghiệm của người xem và của VĐV khi thi đấu. Trong đó nổi bật là hệ thống robot thông minh và công nghệ 5G được trang bị trên thiết bị phục vụ thi đấu. Đây đều là những niềm tự hào của nền công nghệ đất nước Mặt trời mọc.

Trong khi đó, Hàng Châu 2022 lại đặt ra tiêu chí “thông minh” khi tung ra những nền tảng công nghệ. Tiêu biểu là hạ tầng điện toán đám mây do Alibaba cung cấp, sẽ lần đầu giúp các nhà tổ chức đưa công tác chăm sóc y tế của một sự kiện thể thao lên tầm cao mới. Với nền tảng 5G và IoT, toàn bộ hoạt động thi đấu của Asiad sẽ được giám sát sức khỏe, hỗ trợ y tế dựa trên thời gian thực. Khoảng 120 hệ thống cấp cứu tại chỗ sẽ giải quyết các vấn đề về y tế ngay lập tức nhờ khả năng phát hiện sự cố của trung tâm điều hành.

Nghĩa là tình trạng sức khỏe của những người tham gia sự kiện sẽ được theo dõi trực tuyến, khi sự cố xảy ra thì những trung tâm cấp cứu sẽ biết ngay mình phải làm gì mà không cần đến việc thăm khám.

Cũng dựa trên công nghệ đám mây, toàn bộ hoạt động của làng VĐV được cá nhân hóa tối đa, gần như không cần nhân viên phục vụ. Mỗi thành viên trong làng sẽ tự xử lý mọi việc trên chính điện thoại di động của mình.

Thậm chí, đến phòng giải trí trong làng cũng không cần nhân viên khi những robot thông minh chơi piano phục vụ khách, xe buýt di chuyển đến khu liên hợp thể thao không có người lái, trong khi xe tự vận hành đi thu gom rác…

Mạng 5G tại Hàng Châu 2022 cũng nâng lên một cấp, được quảng bá là tốc độ truyền tải gấp 10 lần, so với 5G của Tokyo 2020. Với chất lượng như vậy, những người tham gia sự kiện sẽ biết chính xác điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, tình trạng sức khỏe bản thân có phù hợp để vào sân hay không, thậm chí là nắm rõ sức khỏe của chính các VĐV đang thi đấu trước mắt mình. Mọi thứ đều nằm ở thời gian thực trên chiếc điện thoại có cài đặt ứng dụng của đại hội.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa xác định được là Hàng Châu 2022 có những đột phá nào về công nghệ để tạo ra thành tích đặc biệt cho các VĐV như Tokyo 2020 hay không. Đây có lẽ là điểm khác biệt lớn nhất giữa 2 đại hội, vì đa phần các nhà cung cấp công nghệ tại Asiad đều là những công ty Trung Quốc, còn tại Tokyo là hàng loạt “ông lớn” công nghệ thế giới.

Tin cùng chuyên mục