Đó là câu hỏi đang khiến nhiều người thắc mắc. Dù cho, lãnh đạo bộ môn cử tạ (Tổng cục TDTT) và ngành thể thao vẫn hướng cho các VĐV nòng cốt tới đây tập huấn.
Hungary không mạnh về cử tạ
Chương trình tập huấn ở Hungary với cử tạ Việt Nam bắt đầu từ năm 2014. Tuy nhiên, với những người trực tiếp làm nghề của cử tạ thì ai cũng biết, đây chưa khi nào được xem là quốc gia có nền cử tạ phát triển. Thực tế nhìn vào thành tích thi đấu để tranh suất Olympic 2015, đội cử tạ Hungary (tính điểm tổng qua giải VĐTG 2014 và 2015) chỉ đứng hạng 29 chung cuộc và chưa được trao suất chính thức nào.
Trong khi đó, đội cử tạ nam Việt Nam đã có kết quả ở hạng 20 để nhận 3 suất chính thức. Trên bình diện hạng 56kg nam (nơi chúng ta hướng trọng tâm và tập luyện, thi đấu để giành thành tích quốc tế) thì cử tạ Hungary không có VĐV nào tham gia thi đấu vô địch thế giới. Rất dễ hiểu, nếu VĐV được tập huấn tại đây hoàn toàn mang ý nghĩa đổi gió chứ về mục tiêu chuyên môn rất khó chờ đợi được ở chuyên gia của nước bạn.

VĐV Thạch Kim Tuấn. Ảnh: T.L
Đi tập huấn phải mang mục đích tới quốc gia mạnh học hỏi tích lũy thêm để giúp VĐV của mình mạnh hơn chứ tới nơi “vùng trũng” gần như không cải thiện được gì. Tính ở 2 kỳ Olympic 2008 và 2012 gần nhất trước đây, cử tạ Hungary mỗi kỳ chỉ có 1 VĐV có suất tham dự và không đạt thành tích huy chương. Trong khi, chúng ta năm 2008 có Hoàng Anh Tuấn giành HCB còn năm 2012 thì Trần Lê Quốc Toàn xếp hạng 4 nội dung.
Trong chuyên môn thể thao, nếu VĐV ở các quốc gia (trong đó có Việt Nam) tới Hungary để tập huấn với những môn như đấu kiếm hay TDDC thì đấy mới đạt hiệu quả đích thực vì quốc gia bạn có thế mạnh trong các môn này. Một VĐV của đội cử tạ Việt Nam đã đùa vui rằng năm ngoái khi tập huấn ở Hungary, một số giải tại đây mời VĐV ta tham dự và chúng ta giành chức vô địch vượt trên lực sĩ bản địa. Tới năm nay vẫn tập huấn tại Hungary nhưng các giải trên đã không mời nữa vì có thể muốn để nội bộ tự thử sức cùng nhau.
Cần nơi tập phù hợp
Chia sẻ của Thạch Kim Tuấn mới đây rất đúng thực tế đấy là nơi tập luyện ở Hungary chẳng hơn gì tại điểm tập tại CLB Phú Thọ (TPHCM). Thậm chí dụng cụ còn thiếu thốn. Ban huấn luyện từng kể rằng, nơi mà đội tuyển cử tạ Việt Nam được tập tại Hungary cũng như một phòng thể chất bình thường. Điều này còn chưa kể bất cập quốc gia bạn ở châu Âu khi chuyển mùa sang mùa đông có tuyết lạnh không giống như khí hậu tại Việt Nam nên VĐV phải thích nghi khó khăn.
Đã có ý kiến cắc cớ rằng, vậy vì sao sau mỗi đợt tập huấn tại Hungary thì VĐV của chúng ta như Kim Tuấn có thành tích tốt như vậy. Bản thân các tuyển thủ đều chung chia sẻ, tập ở Hungary chỉ mang tính chất thay đổi địa điểm chứ vẫn là thầy nội tập cùng trò nội. Điều ấy hiểu rằng, bài tập của HLV trực tiếp với VĐV quan trọng trên hết chứ không nằm ở địa điểm tập huấn. Trước khi kết thúc năm cũ, cử tạ Việt Nam hay các môn thể thao khác đều phải bảo vệ kế hoạch tập luyện, thi đấu trong năm 2016 với lãnh đạo Tổng cục TDTT.
Theo tìm hiểu, chương trình tập huấn dài ngày vẫn hướng vào điểm tập tại Hungary. Thật cần thiết nếu nhà quản lý tìm hiểu được tâm tư VĐV xem tập luyện ở đâu phù hợp nhất chứ không phải mang mác “du học” mà thực chất như tại nhà.
NGUYỄN ĐÌNH