
Bóng đá TPHCM vẫn chìm vào giai đoạn khó khăn. CLB TPHCM xuống hạng năm rồi nhưng sự chuẩn bị vẫn hời hợt, đã tạo nhiều âu lo với hy vọng quay lại V-League. Nhân vật trung tâm của bóng đá TPHCM trong năm qua không ai khác là Chủ tịch LĐBĐ TPHCM (HFF), ông Lê Hùng Dũng (ảnh), người đứng mũi chịu sào ứng phó với nhiều “cơn bão” mà bóng đá TPHCM gặp phải.
- Theo ông, mùa bóng 2010, bóng đá thành phố có thể vượt qua các khó khăn năm 2009?
Chủ tịch LĐBĐ TPHCM Lê Hùng Dũng
Ông LÊ HÙNG DŨNG: Trước hết, tôi nghĩ nên nói về chuyện cũ một chút, đó là mùa bóng 2009 mà bản báo cáo tổng kết của HFF khá ngắn gọn, cho rằng bóng đá đỉnh cao đã thất bại. Chúng tôi tập trung rút kinh nghiệm và để cho năm 2010 khởi sắc hơn phải làm tốt 2 việc: Tập trung hỗ trợ chuyên môn cho CLB Navibank Sài Gòn thi đấu hiệu quả ở V-League cũng như hỗ trợ chuyên môn cho CLB TPHCM ở giải hạng nhất.
- Trong hai đội trên thì rõ ràng mục tiêu lên hạng của CLB TPHCM là rất khó?
Với chúng tôi, những gì có thể làm được chúng tôi sẽ cố gắng ở mức cao nhất để làm, giúp cho đội bóng này.
- Nhắc lại chuyện cũ một chút: Vì đâu mà xảy ra chuyện “bể kèo” việc chuyển giao đội bóng trên cho thành phố?
Khi đội bóng xuống hạng, tôi có nghe thông tin Tổng công ty Thép Việt Nam sẽ đầu tư từ 10 - 15 tỷ đồng cho mùa bóng sau. Khi ấy, tôi đã bàn bạc, trao đổi với lãnh đạo công ty là nếu với số tiền ấy thì rất khó để thăng hạng, tốt nhất là chuyển giao về liên đoàn để kêu gọi các nhà tài trợ khác cùng làm. Ban đầu, các anh bên ấy đã đồng ý chủ trương chuyển giao 75% cổ phiếu còn lại sau khi Cảng Sài Gòn đã cho chúng tôi 25%. Sau đó, thành phố cũng có gởi văn bản cho công ty để đề nghị làm sớm nhằm có thêm thời gian chuẩn bị. Đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin nào từ phía Tổng công ty Thép Việt Nam cho dù cũng đã biết (qua báo chí) là họ không có ý định chuyển giao. Vì thế chúng tôi tôn trọng thôi.
-Từ đó xuất hiện những dị nghị chuyện “con đẻ, con nuôi” ở hai đội bóng cùng thành phố?
Sau những thông tin từ báo chí về việc họ không chuyển giao và tự làm lấy cũng như mua sắm cầu thủ, trả lương, nuôi đội bóng… nhưng không có chuyện “con đẻ, con nuôi” ở đây vì HFF vẫn làm đúng trách nhiệm của mình. Thậm chí có thời điểm bên đội bóng cần tiền để ký hợp đồng với cầu thủ đã sang vay chúng tôi 550 triệu đồng, HFF đã nhanh chóng đáp ứng. Ngoài ra, chúng tôi cũng cử anh Trần Duy Long sang để nắm bắt tình hình cũng như sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn, nhưng họ cũng không mặn mà.
- Ông có thể tiết lộ số tiền mà thành phố dự định mua lại 75% cổ phần khi ấy?
Con số cụ thể là 15 tỷ đồng để đề nghị Công ty CP bóng đá TMN-CSG chuyển nhượng CLB TPHCM cho TPHCM để tiếp tục đầu tư. Nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa thấy trả lời.
- Đó cũng là con số để chuyển nhượng lại đội QK4 của Navibank?
Trong thời gian ấy đã có một doanh nghiệp đến bàn bạc với chúng tôi về nhiều hướng nhằm giúp bóng đá TPHCM ổn định và nhất là phải có đội chuyên nghiệp trong tương lai gần. Thậm chí có cả kế hoạch mua đội hạng nhất để đầu tư lên hạng sang năm. Ban đầu có thông tin về việc chuyển nhượng đội Thể Công, nhưng khi tiếp xúc với đơn vị chủ quản thì giá lại cao cho nên thôi. Cùng lúc đó có tin từ QK4 và tôi đã liên hệ. Sau khi thỏa thuận được giá cả hợp lý là dưới 20 tỷ đồng, tôi đã báo với doanh nghiệp trên và chỉ trong 1 ngày mọi chuyện đã hoàn tất và CLB Navibank Sài Gòn ra đời. Như vậy, việc này xem ra vượt dự kiến ban đầu. Từ kế hoạch xây dựng đội bóng hạng nhất, nay đã có đội chuyên nghiệp.
- Có ý kiến cho rằng CLB Navibank Sài Gòn vốn dĩ không phải là người Sài Gòn…
Tôi quan niệm bản chất của thành phố này vốn là nơi hội tụ những tinh hoa, nhân lực đến từ khắp mọi miền đất nước đến làm ăn và lập nghiệp. Đó là điều rất tốt cho bóng đá TPHCM. Đối với Navibank Sài Gòn, tôi hy vọng họ sẽ đạt được mục tiêu đấy.
- Thế còn CLB TPHCM?
Như tôi đã nói, HFF sẽ làm hết sức trong khả năng của mình để giúp đội bóng này. Hiện tại chúng tôi đã cử anh Trần Duy Long, HLV Nguyễn Hồng Phẩm, Võ Hoàng Bửu… hỗ trợ công tác chuyên môn cũng như chúng tôi sẽ có những khoản tiền thưởng thêm cho thành tích của đội.
- Mặt bằng bóng đá trẻ TPHCM hiện rất chông chênh, ông có thể hoạch định thời gian bao nhiêu năm mới có được sự ổn định?
Tôi nghĩ sẽ mất từ 3-5 năm. Trước đây chúng ta có hai nguồn đào tạo trẻ là Trường Năng khiếu nghiệp vụ và các CLB tự đào tạo lấy. Hiện tại còn có các lứa U13, U16… có đầu tư nhưng chưa thật sự nổi bật và có hệ thống. Ở đội U19, chúng tôi vừa sàng lọc, tuyển chọn từ nhóm cầu thủ của QK4 và TPHCM để hình thành đội U19 Navibank Sài Gòn.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đã liên kết với CLB Bayern Munich để hình thành Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ tại TPHCM trong thời gian tới với tên gọi là Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Bayern Munich Navibank Sài Gòn và sẽ làm như mô hình tại Học viện Arsenal HAGL.
- Nhưng điều ấy sẽ mất nhiều thời gian?
Đào tạo thì không nên sốt ruột, nếu mình bắt cầu thủ giỏi từ nơi khác về người ta sẽ gọi mình là xây nhà từ nóc. Tôi nghĩ đào tạo trẻ thì cứ từ từ và hãy chờ đợi. Tôi tin tưởng bóng đá TPHCM trong tương lai gần sẽ mạnh mẽ và có tính ổn định hơn.
- Xin cảm ơn ông.
Quốc Cường thực hiện