Chi tiền tỉ mời các ngoại binh về thi đấu bóng chuyền vô địch quốc gia

Chưa bao giờ, làng bóng chuyền Việt Nam lại rộn ràng như vòng hai giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2023 tới đây bởi lẽ đông đảo các đội bóng đều chi bộn tiền để mời nhiều tay đập ngoại về thi đấu...
Đội nữ Thái Bình đã thuê được ngoại binh người Slovenia dự vòng hai giải vô địch quốc gia năm nay. Ảnh: G.THÁI BÌNH
Đội nữ Thái Bình đã thuê được ngoại binh người Slovenia dự vòng hai giải vô địch quốc gia năm nay. Ảnh: G.THÁI BÌNH

Chi phí tiền tỉ là có thật

Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2023 có 10 đội nam và 10 đội nữ tham dự. Đầu tháng 11 tới đây, vòng hai của giải đấu chính thức tranh tài và trước việc sẽ quyết định tấm vé dự vòng chung kết hay suất trụ hạng thành công thì số đông các đội đều tập trung tuyển mộ ngoại binh chất lượng cho mình. Những cái tên từ các nền bóng chuyền châu Âu (Azerbaijan, Slovenia, Bulgaria), châu Á (Thái Lan, Nhật Bản, Campuchia) hay khu vực Caribbe (Cộng hòa Dominica), Mỹ Latin (Brazil)... đều có cầu thủ tới dự vòng hai giải bóng chuyền vô địch quốc gia năm nay.

Trên lý thuyết, các đội bóng tìm thuê ngoại binh để phù hợp đội hình và không ngoài mục tiêu đưa đội bóng lên đỉnh cao có sự mạnh mẽ nhất nhằm thành công về chuyên môn. Thắc mắc lớn nhất của người hâm mộ và giới chuyên môn vẫn là càng nhiều ngoại binh nổi tiếng, tới từ nhiều quốc gia thì chi phí mỗi đội bóng bỏ ra nhiều hay ít? Chưa một đội bóng nào công khai về chi phí bỏ ra mời ngoại binh về thi đấu nhưng theo tìm hiểu của SGGP, mức chi phí ở giai đoạn hiện tại là rất cao. Nhiều đội phải bỏ khoản chi phí trung bình từ 20.000 USD-40.000 USD để mời cầu thủ ngoại về thi đấu. Năm ngoái, tay đập tạo được tiếng vang lớn nhất ở làng bóng chuyền Việt Nam là Polina Rahimova (Azerbaijan) khi góp mặt trong đội hình đội nữ Geleximco Thái Bình rồi vô địch quốc gia. Khi đó, chi phí dành cho Polina sang Việt Nam là trên dưới 47.000 USD (hơn 1 tỉ đồng). Dù thực tế, đội bóng nữ G.Thái Bình chưa bao giờ công bố chính thức chi phí thuê cầu thủ là bao nhiêu.

Năm nay, Polina trở lại Việt Nam dự vòng hai giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2023 và đã chính thức đăng kí trong màu áo đội Hóa chất Đức Giang tia sáng. Giới chuyên môn đã cho biết mức chi phí để tay đập này trở lại Việt Nam và khoác áo đội bóng mới sẽ không ít hơn, nếu không muốn nói nhiều hơn, khoản chi phí mà đội G.Thái Bình từng bỏ ra vào năm ngoái. Một số gương mặt khác như Lana Scuka (G.Thái Bình, Slovenia), Slavina Koleva (Binh chủng Thông tin Trường Tươi Bình Phước, Bulgaria), Bogdana Anisova (Ngân hàng Công thương, Ukraine), Sana Anarkulova (Thanh Hóa, Kazakshtan)... đều được cho là có mức chuyển nhượng không nhỏ.

Trong khi đó, các đội bóng nam cũng chạy đua thuê ngoại binh đáng kể. Nhiều chủ công và đối chuyền của bóng chuyền nam Thái Lan sẽ tới Việt Nam thi đấu vòng hai tới đây. Trong số này, đáng kể nhất là hai tay đập Promchan Anut (Ninh Bình) và Thanathat Thaweerat (Đà Nẵng) đều là các tuyển thủ ở đội hình chính của tuyển bóng chuyền nam Thái Lan. Phí chuyển nhượng của từng người họ đều rất đáng kể và lên tới hai con số (theo đơn vị chục ngàn USD). Đội nam Sanest Khánh Hòa đã bạo chi để cùng lúc có 2 mũi đánh Evandro Dias de Souza, Douglas Bueno (Brazil) tại vòng hai lần này. Đây đều là những tay đập được kì vọng sẽ giúp đội nam S.Khánh Hòa giành ngôi vô địch giải năm nay. Hiện tại, đội nam Ninh Bình, Đà Nẵng và S.Khánh Hòa được đánh giá là ứng viên có ưu thế tại vòng hai sắp khởi tranh.

Sẽ hình thành các công ty môi giới?

Thị trường ngoại binh bóng chuyền ở thể thao Việt Nam bắt đầu rộn ràng từ khi Liên đoàn bóng chuyền cho phép cầu thủ ngoại được đăng kí thi đấu giải thuộc hệ thống vô địch quốc gia và hạng A toàn quốc năm 2022. Ngay sau khi điều lệ này được ban hành, nhiều công ty môi giới đã làm việc với các đội bóng chuyền ở Việt Nam để chào mời các cầu thủ mà mình làm đại diện.

Đội nam Sanest Khánh Hòa thuê 2 ngoại binh người Brazil thi đấu vòng hai giải vô địch quốc gia năm nay. Ảnh: N.V.KIỀU

Đội nam Sanest Khánh Hòa thuê 2 ngoại binh người Brazil thi đấu vòng hai giải vô địch quốc gia năm nay. Ảnh: N.V.KIỀU

Đó là lý do vì sao, cầu thủ ở nhiều quốc tịch khác nhau đã và đang xuất hiện tại giải bóng chuyền vô địch quốc gia Việt Nam. Mặc dù vậy, các công ty môi giới chuyển nhượng cầu thủ bóng chuyền có đăng kí pháp nhân và đặt trụ sở chính thức ở Việt Nam là chưa có. Do vậy, trong một tương lai dài, khi bóng chuyền chuyên nghiệp hơn, giải bóng chuyền vô địch quốc gia chuyên nghiệp hơn thì bài toán về thuê, mượn ngoại binh cũng phải đi kèm cụ thể với vấn đề nộp thuế về thu nhập theo đúng quy định của nhà nước. Vấn đề này được các đội bóng tính toán cụ thể trong hợp đồng lao động của ngoại binh. Không loại trừ, nhiều công ty môi giới chuyên nghiệp về cầu thủ bóng chuyền sẽ ra đời tại Việt Nam thời gian tới đây.

Tin cùng chuyên mục