Bóng đá sạch

Bóng đá Việt Nam suốt hơn 2 thập niên qua, vẫn cứ mãi ám ảnh về “bóng đá sạch”. Trước thì lo ngại chuyện móc ngoặc, đi đêm về kết quả thi đấu giữa các đội, sau lại đến nỗi lo về cầu thủ bán độ, bạo lực sân cỏ...
Cụm từ “bóng đá sạch” một lần nữa lại xuất hiện sau thành công của U.23 Việt Nam. Đại ý là người ta hy vọng tinh thần thi đấu của U.23 Việt Nam sẽ là nguồn cảm hứng cho các đội bóng tại V-League, nhất là khi chính những ngôi sao trẻ cũng là nhân tố chính tại mùa giải sắp đến. Khán giả sẽ đến sân để xem họ thi đấu và muốn nhìn thấy những cầu thủ khác cũng như vậy. 
Bóng đá Việt Nam suốt hơn 2 thập niên qua, vẫn cứ mãi ám ảnh về “bóng đá sạch”. Trước thì lo ngại chuyện móc ngoặc, đi đêm về kết quả thi đấu giữa các đội, sau lại đến nỗi lo về cầu thủ bán độ, bạo lực sân cỏ hay thậm chí, chỉ là những trận đấu “vô thưởng vô phạt” khi 2 đội đều không khao khát giành chiến thắng. Thế nên, sự thật đáng buồn đó là bóng đá Việt Nam vẫn chưa bao giờ “sạch” một cách thực sự.
Đấy chính là lý do lớn nhất khiến cho dù có nhiều tiềm năng nhưng bóng đá Việt mãi không phát triển. Sự thiếu trách nhiệm ở tinh thần thi đấu, các hành vi bạo lực… vốn quen thuộc tại V-League vô tình trở thành thói quen khi các đại diện Việt Nam thi đấu trên trường quốc tế.
Mãi cho đến khi U.23 Việt Nam thành công tại Trung Quốc vừa qua, người ta mới có niềm tin rằng: Việc chơi bóng tử tế, chiến thuật hợp lý, khao khát chiến thắng vẫn đang tồn tại. Vấn đề còn lại, đó là làm sao để những gì mà U.23 đã làm được lan tỏa tại các trận đấu nội địa, nhất là V-League.
Đó là một bài toán không dễ có lời giải. Theo thông tin từ ông Trần Anh Tú, Chủ tịch Công ty VPF thì mùa giải mới V-League sẽ có 1,5 suất xuống hạng, tăng hơn 0,5 suất so với các mùa giải gần đây.
Trên thực tế, tỷ lệ trung bình số đội rớt hạng theo thông lệ thế giới ở mức 15% trong khi tại Việt Nam, nếu là 1,5 suất như mùa này thì chỉ tối đa 10%. Đây là con số quá ít ỏi, khó mà tạo được sự cạnh tranh. Cũng cần phải nhớ rằng, ở các quốc gia châu Âu, nhóm đội xếp trên còn cạnh tranh nhau quyền dự cúp châu Âu nên con số 15% thực tế phải là 20%-30% nếu chỉ tính cho nhóm chuyên đá trụ hạng.
Ngược lại tại Việt Nam, bên cạnh cuộc đua cho chức vô địch duy nhất thì gần như chỉ còn cuộc chiến trụ hạng. Theo nguyên tắc, tỷ lệ càng thấp thì càng mất đi sự cạnh tranh. Nhưng những nhà tổ chức như ông Trần Anh Tú có “nổi khổ” riêng của mình.
Trước đây, khi số đội xuống hạng là 2, vì mục tiêu “bằng mọi giá phải trụ hạng”, bạo lực đã rộ lên và để lại di chứng cho đến tận bây giờ. Vấn nạn trọng tài tiêu cực cũng từ đó mà ra. Thế nên mới có chuyện tập đoàn Hòa Phát bỏ bóng đá dù đội của họ trụ hạng hồi năm 2011 chỉ vì không thể “sống chung với lũ”.
Nhưng khi chỉ còn 1 suất xuống hạng, có mùa còn chẳng có suất nào, thì tình hình cũng chẳng khá hơn. Chất lượng các trận đấu không tăng nhưng bạo lực và trọng tài thì chẳng giảm.
Cái cốt lõi của vấn đề vẫn nằm ở tính chuyên nghiệp của các cầu thủ và mục đích hoạt động của những CLB. Nếu họ ra sân với mục tiêu cống hiến cho người hâm mộ, màu cờ sắc áo địa phương hoặc thương hiệu của doanh nghiệp thì sẽ luôn có quyết tâm chiến thắng mọi trận đấu, vừa giành quyền trụ hạng mà còn có thể đua tranh các vị trí cao của mùa bóng.
Không phải các đội bóng đều đủ sức vô địch, nhưng mọi đội bóng đều có đủ khả năng làm hài lòng những người yêu quý mình. Chỉ có như vậy thì bóng đá sạch mới tồn tại và khán đài sẽ có thêm nhiều người xem. 
May mắn cho bóng đá Việt Nam khi hệ thống đào tạo đang sản sinh ra một thế hệ cầu thủ mới khá ổn về tài năng lẫn phông văn hóa. Duy trì điều đó là trách nhiệm của những nhà quản lý.

Tin cùng chuyên mục