
Chỉ 4 tháng đầu năm 2010 đã có đến 6 giải bóng chuyền trong hệ thống thi đấu quốc gia được tổ chức, khiến người ta có cái cảm giác bội thực. Trước thực tế ấy, những nhà làm chuyên môn lẫn các đội bóng đã thừa nhận, trong gần 1 năm qua, số lượng các giải đấu trong nước tăng vọt, nhưng lại không theo đường hướng nào hết...
Chúng ta đang bội thực!

Người ta đang tự hỏi, đã có Cúp Đức Long Gia Lai 2010 thì có nhất thiết tổ chức thêm
Cúp Hùng Vương 2010? Ảnh: Dũng Phương
So với vài năm trước chỉ có giải các đội mạnh toàn quốc và chừng 2-3 giải giao hữu trong nước và quốc tế, thì con số giờ đây đã đội lên gấp đôi, gấp ba. Sự dễ dãi trong quy định tổ chức các giải đấu của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VVF) chính là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng bùng phát tự do này.
Tất nhiên, có thêm nhiều giải đấu, nhiều đội bóng ở Việt Nam không còn phải kêu than “thiếu cơ hội cọ sát, nghèo nàn các trận đấu nên việc chuẩn bị lực lượng cho giải VĐQG không tốt”. Tuy nhiên, việc tăng số lượng theo kiểu vô tội vạ và các giải đấu cứ san xát nhau như thế thì chất lượng chuyên môn quả là ngày càng đáng báo động. Bởi thông thường, các đội bóng vẫn quen với việc mỗi năm có chừng 2 giải giao hữu, trước khi bước vào cuộc đua thực sự ở giải VĐQG. Khi ấy, sự tập trung lực lượng, lẫn tập trung mục tiêu và tham vọng của các đội bóng kỹ và có chất hơn.
Thực ra, người ta sẽ không bị “bội thực”, nếu Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam khéo léo hơn trong chuyện sắp xếp các giải đấu thuộc và không thuộc hệ thống thường niên của mình. Đã có Cúp Đức Long Gia Lai được cho là “khóa sổ” vòng 1 giải VĐQG vào tháng 3, thì liệu có cần đến Cúp Hùng Vương diễn ra sau đó 1 tháng? Giải đấu trước còn tạm được về chuyên môn, nhưng giải đấu sau đúng là báo động về tính hấp dẫn. Chưa kể đến tháng 5 tới sẽ lại có “Giải thưởng lớn” (Grand Prix) Việt Nam dành cho 16 đội bóng nam và nữ có thành tích tốt nhất ở giải VĐQG 2009. Rồi tháng 7 có giải Quân đội mở rộng, tháng 10 là vòng 2 giải VĐQG 2010 đi kèm một Cúp nào đó, chưa kể đến các giải do địa phương tổ chức thêm để lấy tiếng…
Nói chung, ngay cả những người làm chuyên môn bóng chuyền cũng cảm thấy hoa mắt trước số lượng giải đấu đang tăng lên chóng mặt, mà thành phần các đội tham dự giải không hề đổi khác. Thành ra, đôi khi nhiều HLV các đội bóng cũng tự thừa nhận: “Cứ có Cúp mời là đi. Vừa kiếm tiền thưởng, vừa thử nghiệm cầu thủ trẻ thì tội gì không đi”.
- Mất cân bằng
Giả sử, nếu Sting Cup dành cho các đội bóng nam được duy trì song song với VTV Cup của nữ, thì có lẽ bức tranh bóng chuyền Việt Nam sẽ sinh động hơn. Tuy nhiên, giờ ngoài giải quốc tế VTV Cup dành cho cấp độ ĐTQG (nữ), nay có thêm 1 giải quốc tế nữa dành cho các CLB nữ là VTV Bình Điền Cup. Trong khi các giải quốc tế dành cho nam lại biến mất không tăm tích.
Trắng giải quốc tế nam, nếu nhìn theo góc độ quảng cáo cho các nhà tài trợ là điều dễ hiểu, vì họ cho rằng giải đấu dành cho “các cô gái chân dài” dễ kiếm tiền, dễ hút khán giả và có lợi cho nhà tài trợ. Nhưng thực tế, giải quốc tế nam cũng rất thu hút, nếu không muốn nói là hấp dẫn và quyết liệt hơn hẳn giải nữ, nếu BTC mời được những anh tài có đẳng cấp của khu vực và châu lục tham dự, nhất là khi ĐTQG tranh tài cùng những đối thủ như Thái Lan, Indonesia, Myanmar và một vài đội bóng quốc tế khác. Bởi nhanh, mạnh mẽ và máu lửa mới thực là chất của môn chơi tập thể hiện đại này. Tiếc rằng, ai cũng ngại tổ chức giải quốc tế cho nam, kể cả Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam. Vì thế, nguyên nhân dẫn đến sự mất cân bằng của bóng chuyền Việt Nam hiện nay được cho là bắt nguồn từ việc này.
Khi người hâm mộ ngán đến xem các giải trong nước, thì sự kỳ vọng vào điều mới mẻ ở một giải quốc tế nào đó dâng lên, vì có thể khiến “món ăn” bóng chuyền bớt tẻ nhạt. Chứ cứ như lúc này, bữa sáng, bữa trưa và bữa tối đều ăn cùng một món, nên không ngán ngẩm mới lạ!
LÊ QUANG