Bắn cung: Hàn Quốc – đất nước sản sinh ra các “thần tiễn thủ”

Với 4 HCV, chiếm 50% số lượng HCV, các tuyển thủ bắn cung Hàn Quốc tiếp tục thể hiện năng lực áp đảo so với “phần còn lại của châu Á”. Nên nhớ, ở kỳ Olympic Rio 2016, Hàn Quốc thậm chí đã “càn quét sạch sẽ” cả 4 tấm HCV ở 4 nội dung thi đấu. Các tuyển thủ bắn cung Hàn Quốc xứng danh là “thần tiễn thủ” ở mọi giải đấu.
Đội tuyển bắn cung Hàn Quốc (Kim Woo Jin bên trái và Lee Woo Seok ở giữa)
Đội tuyển bắn cung Hàn Quốc (Kim Woo Jin bên trái và Lee Woo Seok ở giữa)

Ở Asiad 2018, bắn cung Hàn Quốc đã giành 4/8 HCV, đó là HCV trong các nội dung cung 1 dây cá nhân nam và đồng đội nữ; và nội dung cung 3 dây đồng đội nam, đồng đội nữ. Những HCV còn lại thuộc về Đài Bắc – Trung Hoa (HCV đồng đội nam cung 1 dây, đôi nam nữ cung 3 dây), Trung Quốc (cá nhân nữ cung 1 dây) và Nhật Bản (đôi nam nữ cung 1 dây). Ngoài ra, Hàn Quốc còn giành được 3 HCB và 1 HCĐ, nâng tổng số huy chương mà “các thần tiễn thủ” giành được lên đến 8 tấm.

Nội dung cung 1 dây cá nhân nam chính là một cuộc so tài “đỉnh cao” giữa 2 người đồng đội từng giúp cho Hàn Quốc thắng tấm HCB đồng đội nam cung 1 dây, đó là chính Kim Woo-Jin, và ĐKVĐ Trẻ Olympic Lee Woo-Seok. Kim chính là cung thủ số 1 thế giới, với vị trí dẫn đầu trên Bảng xếp hạng các cung thủ cung 1 dây của WAF (Liên đoàn Bắn cung thế giới). Còn Lee chính là người xếp thứ 2, kẻ đứng dưới 1 người, nhưng trên cả vạn người, là tương lai của bắn cung Hàn Quốc (hôm 7-8 rồi, anh mới tròn tuổi 19).

Bắn cung: Hàn Quốc – đất nước sản sinh ra các “thần tiễn thủ” ảnh 1 "Thần tiễn thủ" Kim Woo Jin, cung thủ số 1 thế giới
Trong trận đấu tranh HCV, Kim đã đánh bại Lee với tỷ số 6-4. Có 1 chi tiết rất thú vị, cũng liên quan đến quyền miễn trừ nghĩa vụ quân sự ở Hàn Quốc – giống như những gì mà cầu thủ bóng đá nổi tiếng là Son Heung Min hiện đang theo đuổi, đó là với chiến thắng trước Lee, Kim chẳng những bảo vệ thành công ngôi “cung thủ số 1”, thắng HCV mà còn… “tước đi” cơ hội miễn trừ nghĩa vụ quân sự của Lee ở Asiad tại Indonesia. Lee mới 19 tuổi, và anh đang phải thực hiện nghĩa vụ quân sự ở quê nhà.

Sau chiến thắng, Kim (năm nay 26 tuổi, đã được miễn trừ nghĩa vụ quân sự sau khi cùng với các đồng đội giành tấm HCV ở Olympic Rio de Janeiro 2016 – nội dung đồng đội nam ở kỳ Thế vận hội tại Brazil chỉ sử dụng cung 1 dây), thổ lộ: “Cho dù đó là trường hợp miễn nghĩa vụ quân sự hay không, thì nó cũng chẳng liên quan đến trận đấu này. Tôi chỉ tập trung vào trận đấu, và không nghĩ chút gì về điều đó. Rất khó để đánh bại người đồng đội mà tôi biết rất rõ, sau rất nhiều năm tháng tập luyện cùng nhau”.

Kim luôn dành sự tôn trọng cho “thần tiễn thủ” đàn em của mình. Ngay sau chiến thắng, anh đã không ăn mừng và từ chối cầm cờ Hàn Quốc để chạy vòng quanh Nhà thi đấu, đơn giản chỉ vì, đánh bại một người đồng đội, dù rằng mang về vinh quang cho Hàn Quốc, cũng chẳng phải là một câu chuyện quá vui. Đây là tấm HCV Asian Games thứ 3 trong sự nghiệp của Kim, trước đó, anh đã giành “cú đúp HCV” ở Guangzhou hồi năm 2010. Kim cũng đã có 4 HCV ở giải VĐTG.

Về phần mình, dù rỏ ra luyến liếc, nhưng Lee hiểu anh vẫn còn cơ hội (thời hạn giành quyền miễn trừ nghĩa vụ quân sự của anh còn đến tháng 9-2019) và anh thừa nhận, nhập ngũ cũng chẳng có gì là quá đáng sợ: “Tôi thất vọng với kết quả này. Nhưng tôi phải chấp nhận nó vì đó là tất cả những gì mà tôi đã làm. Và nhập ngũ cũng chẳng hoàn toàn là tồi tệ. Tất cả mọi đàn ông Hàn Quốc đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo bất kỳ cách nào. Tôi sẽ quay trở lại quân ngũ, phục vụ đất nước theo khả năng tốt nhất của mình”.

"Thần tiễn thủ" Lee Woo Seok, một quân nhân Hàn Quốc
Có một “thần tiễn thủ” trong lực lương, quân đội Hàn Quốc hẳn cũng phải rất tự hào! Và Kim, hay Lee, chỉ là 2 trong số rất, rất nhiều “thần tiễn thủ” mà thể thao Hàn quốc nói chung, bắn cung Hàn Quốc nói riêng, từng sản sinh ra…

Tin cùng chuyên mục