Cuộc lội ngược dòng ngoạn mục trên sân Đức chưa kịp đưa thầy trò Roy Hodgson “lên mây” thì trận thua ngược 1-2 trước Hà Lan đã lôi tuột họ xuống. Vấn đề là họ đã xuống đến mức nào?
Mỗi trận giao hữu trong giai đoạn như hiện nay đều chỉ là thử nghiệm - và điều đó càng được minh chứng bằng 8 sự thay đổi trong thành phần xuất phát so với trận gặp Đức. Đã gọi là thử nghiệm thì thắng cũng chẳng lên tới trời xanh và thua thì cũng chẳng lọt xuống hố thẳm. Cái cần làm hiện nay là mỗi trận thắng hay thua như thế này đều phải được rút kinh nghiệm một cách sáng suốt, công tâm. Theo đó, cuộc cọ xát với Hà Lan đêm 29-3 đã để lại nhiều bài học tuy đáng buồn nhưng lại rất quý giá.
Họ tấn công có tốt không? Tỷ lệ cầm bóng của đội tuyển Anh hơn gấp đôi Hà Lan và số lần dứt điểm cũng gần gấp đôi. Hơn ai không nói, hơn Hà Lan về 2 chỉ số đó thì có thể coi như là kỹ thuật phối hợp của họ đã tiến bộ rõ rệt. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là cái hơn đó mang lại điều gì, có khả quan hay không. Ngay chính báo chí Anh cũng phải thừa nhận đội hình của Hodgson cầm bóng nhiều nhưng triển khai chậm, sức “tàn phá” không lớn, nhiều pha tấn công cứ đến gần khung thành đối phương là gãy. Đồng thời, họ sút bóng nhiều nhưng tỷ lệ chính xác trong đó lại chỉ bằng nửa Hà Lan mà thôi.

Jamie Vardy (phải, Anh) tranh bóng với Daley Blind (Hà Lan).
Bởi thế, Jamie Vardy có mở được tỷ số ở phút 41 thì đó cũng chỉ là một điểm sáng lẻ loi mà thôi. Sáng ở chỗ Vardy vẫn sắc bén, vẫn giữ được phong độ ghi bàn như ở CLB. Ngược lại, có khá nhiều cái... không sáng: Sự phối hợp giữa Vardy với Sturridge đã bị gượng gạo mất một hồi lâu. Sự phối hợp giữa cả 2 tiền đạo này với tiền vệ trẻ Ross Barkley cũng vậy. Những ai đều đặn xem Leicester, Liverpool và Everton ở Premier League đều có thể thấy Vardy-Sturridge bứt phá tốt ra sao, Barkley xoay chuyển từ phòng ngự sang tấn công nhanh như thế nào. Vậy nhưng, ở trận giao hữu vừa qua của đội tuyển, họ lại không phát huy được phẩm chất ấy. Trong nhiều lần Barkley có bóng tại khu vực mà các nhạc trưởng vẫn thường xuất hiện, các vị trí tấn công khác vẫn còn chưa lên kịp. Cho nên, Jamie Vardy ghi bàn ở phút 41 thì cũng tức là đã phải chờ hơn 40 phút mới có được pha tấn công đầu tiên thực sự lợi hại.
***
Còn về phòng ngự thì sao? Như trận thắng Đức ở Berlin, trận thua Hà Lan kỳ này cũng cho thấy quá nhiều xộc xệch trong việc phòng thủ. Sự non nớt, thậm chí có thể nói là dại dột của dàn hậu vệ đã bị phơi bày, bị khai thác một cách triệt để mặc dù đẳng cấp đội Hà Lan mà họ gặp chưa thể nào so được với những thế hệ Hà Lan bay trước đây. Theo báo chí Anh, những bất cập đã lộ rõ nhất ở vị trí hậu vệ trái của Danny Rose và vị trí trung vệ của John Stones.
Với Danny Rose, dường như cuộc trình làng quá tốt hôm 26-3 đã ảnh hưởng... không tốt đến lần thứ nhì anh ta thi đấu cho đội tuyển. Sự hứng chí đã khuyến khích Rose thực hiện hàng loạt pha tấn công bắt mắt nhưng đồng thời cũng gây ra nhiều tình huống thót tim gần cầu môn Forster. Vào hiệp 1 được khoảng 6 phút, Danny Rose đã suýt gây ra một quả phạt đền. Vào hiệp 2 cũng chừng 6 phút, đã có hẳn một quả phạt đền thực sự chứ chẳng còn là suýt nữa. Rose để bóng trúng tay, và Vincent Janssen sút thành công quả 11m cho đối thủ.
Ngay trước lúc Rose để bóng chạm tay ấy, trung vệ John Stones đã phạm một cái lỗi còn lớn hơn. Đó chính là dạng sai sót đã làm Stones mất suất đá chính ở CLB: Có thể vì chủ quan hoặc cũng có thể do quá non kinh nghiệm quốc tế, anh ta cố lừa bóng qua Janssen. Kết quả là đẹp mắt đâu chẳng thấy, chỉ thấy Janssen lấy bóng tiến thẳng về phía khung thành và sút một quả lẽ ra đã thành bàn nếu không vì Forster xuất sắc đón đỡ. Thế đấy, khi Hodgson tập hợp danh sách hậu vệ cho Euro 2016, chắc chắn một điều rằng ông sẽ “liên hệ” lại tình huống sai lầm của Stones - anh ta đã đánh mất khá nhiều lòng tin vào đó.
Và cũng như các hậu vệ khác, Stones đã để cho mọi chuyện trở nên xấu hơn với bàn thua thứ nhì ở phút 77. Sau một pha tranh cướp quyết liệt, trung vệ Jagielka của đội tuyển Anh ngã xuống và Janssen của Hà Lan có bóng. Các hậu vệ Anh lúc ấy chỉ còn chờ trọng tài thổi còi phạt. Narsingh của Hà Lan thì ngược lại, anh ta vẫn chờ đường chuyền từ Janssen. Quả chuyền ấy đã đến, Narsingh có dịp dứt điểm và Hà Lan có một trận thắng 2-1 ngay trên sân Wembley.
***
Như đã nêu trên, nếu đã không đưa thầy trò Hodgson lên tận trên mây với trận thắng Đức 3-2 thì cũng đừng vì kết quả 1-2 trước Hà Lan mà dìm họ xuống hố. Nhưng dù vậy, nhật báo Guardian hôm qua vẫn có những dòng bình luận mà chắc hẳn sẽ được nhiều người đồng tình: Một là từ chỗ đầy hứng khởi đến chỗ... cụt hứng, thầy trò Hodgson đã đi nhanh quá, nhanh như “bể bong bóng” vậy. Hai là nếu Hodgson lạm quá sâu vào việc sử dụng quá nhiều cầu thủ non kinh nghiệm quốc tế thì sẽ còn hàng loạt chuyện không hay xảy ra, khiến cho ông ta không còn biết nên tin vào cái gì...
Hưng Nguyên
Đức - Italia 4-1: Kẻ lạc quan, người âu lo
Bài kiểm tra cuối cùng của Joachim Loew đã được điểm cao, khi Đức vùi dập Italia 4-1. Ngược lại, đồng nghiệp Antonio Conte có nhiều lý do để lo lắng trước thềm EURO 2016.
Sự khẳng định của người Đức
Trong thời gian qua, những thử nghiệm của Loew khiến Đức không có được sự ổn định. Cùng với các thử nghiệm về chiến thuật, Loew cũng tích cực làm mới “Cỗ xe tăng”. Sau thành công với World Cup 2014, rõ ràng Đức cần phải thay đổi để làm tăng thêm tính cạnh tranh trong đội hình, cũng như duy trì khát khao chiến thắng.
Ở cuộc thử nghiệm cuối cùng, Loew đã có thể mỉm cười. Trên sân nhà Allianz Arena, Đức đã khuất phục Italia với tỷ số đậm 4-1. Kể từ 1995, Đức chưa bao giờ thắng Italia cho dù được đánh giá cao hơn. Người Đức từng thua Italia ở World Cup 2006 trên sân nhà, hay gần đây là EURO 2012.
Loew có quyền hài lòng về trung tuyến, khi Toni Kroos tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng, và thậm chí đã ghi bàn trận thứ 2 liên tiếp. Mesut Oezil cũng ổn định hơn so với khi khoác áo Arsenal. Về hàng công, lối đá với “số 9 ảo” cũng phát huy hiệu quả với Mario Goetze. Tất nhiên, Mueller vẫn luôn thầm lặng và quan trọng về mặt chiến thuật.

Goetze (trái) đi bóng qua Bonucci.
4 bàn thắng được chia đều trong 2 hiệp đấu cho thấy một tuyển Đức cân bằng. Về phòng ngự, những gì Đức thể hiện cũng rất tốt, khác hoàn toàn trận thua Anh 2-3 ít ngày trước đó. Loew đã thử nghiệm 3-4-3 với bộ ba phòng ngự Ruediger - Mustafi - Hummels, và thu về hiệu quả cao. Khi phòng ngự, bộ đôi Rudy và Hector sẽ di chuyển xuống, và Đức sẽ đá gần như 5-4-1.
Thầy trò Loew vừa khẳng định, họ sẽ là thách thức lớn nhất cho bất kỳ đối thủ nào muốn tìm kiếm vinh quang trên đất Pháp mùa hè năm nay.
Nỗi lo của Conte
Loew lạc quan, nhưng Conte thì lo lắng. Italia đã thua toàn diện ở Munich, về con người và chiến thuật. Trận thứ 4 liên tiếp Italia không thắng, và một nửa trong số đó là thất bại. Italia của Conte đang phơi bày sự thật: rất yếu khi gặp các đối thủ mạnh.
Trong đợt tập trung cuối năm 2015, Italia cũng dễ dàng tan chảy trước Bỉ - một trong các ứng viên giành EURO 2016. Xen giữa những thất bại này, Italia chỉ hòa Romania và Tây Ban Nha trên sân nhà. Tấn công kém, phòng ngự tệ, đó là những gì Azzurri đang trải qua dưới bàn tay Conte.
Sau World Cup 2014, Conte được kỳ vọng rất nhiều khi thay Cesare Prandelli. 18 trận đã qua, Italia của Conte ghi được 25 bàn thắng, một hiệu suất khá thấp. Trong khi đó, tỷ lệ bàn thua rất cao. Trung bình, mỗi trận đấu Azzurri để lọt lưới 1,06 bàn. Đây không phải hình ảnh của ĐTQG đến từ nền bóng đá chơi phòng ngự giỏi nhất trong quá khứ.
Gần hai năm dẫn Azzurri, Conte vẫn chưa tìm được bộ khung ổn định. Ông đang loay hoay giữa nhiều sơ đồ chiến thuật khác nhau, và cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự phù hợp. Các tifosi giờ đây đang mất niềm tin vào đội nhà.
Kim Ngọc