Tiếp hay dừng?

SEA Games 29 kết thúc tại Malaysia với kết quả chủ nhà dẫn đầu toàn đoàn với số huy chương vàng nhiều hơn gấp đôi so với đoàn xếp thứ hai cùng với đó là vô số những câu chuyện cười ra nước mắt về chuyện kiếm huy chương của chủ nhà.
Bảng tổng sắp SEA Games 29
Bảng tổng sắp SEA Games 29
Chỉ so sánh 2 SEA Games gần nhất, nhìn trên số huy chương, sẽ thấy có sự… tiến bộ vượt bậc! SEA Games 27 tại Singapore được xem là một trong những kỳ đại hội được tổ chức chu đáo và công bằng nhất.
Đây cũng là một trong những kỳ SEA Games mà chủ nhà không về nhất. Theo đó, Thái Lan đứng nhất toàn đoàn, thứ nhì là Singapore và thứ ba là Việt Nam.
Tuy nhiên, dù về nhất nhưng Thái Lan cũng chỉ có 95 huy chương vàng trong tổng số 247 huy chương có được; chủ nhà Singapore về nhì cũng chỉ có 84 huy chương vàng trong tổng số 259 huy chương.
Thế nhưng ở SEA Games 29, chủ nhà Malaysia về nhất với 142 huy chương vàng trên tổng số 317 huy chương các loại. Số huy chương vàng của Malaysia vượt hơn gấp đôi quốc gia xếp thứ nhì là Thái Lan chỉ với 70 huy chương vàng.
Số lượng có đi đôi với chất lượng hay không, có lẽ câu trả lời là không. Trên bình diện chung, thành tích của các huy chương vàng cũng loanh quanh chuẩn SEA Games, một vài vận động viên vượt qua thành tích cá nhân mình để lập kỷ lục SEA Games mới nhưng không nhiều và đa số còn lại thì vẫn còn khoảng cách khá xa với các kỷ lục châu Á.
Nói một cách công bằng, cô gái vàng của thể thao Việt Nam, kình ngư Ánh Viên dù có trong tay 8 huy chương vàng ở các cự ly khác nhau nhưng cũng ít có thành tích nào mang tính đột phá so với chính bản thân cô.
Ngoài một ít tấm huy chương có chất lượng, phần còn lại đa số là huy chương ở những nội dung thi đấu mà… không có ai thi đấu hoặc thành tích gây tranh cãi. Có những nội dung thi chỉ có 3 vận động viên hoặc chỉ 3 đội, nên ai dự thi đều cầm chắc có huy chương và đó phần lớn huy chương vàng đều nằm trong tay chủ nhà bởi họ cố tình đưa nội dung thi đó vào chương trình.
Ồn áo nhất có lẽ là huy chương ở những cuộc thi gây tranh cãi khi có sự phân xử bằng cảm tính của trọng tài nhiều hơn. Trường hợp vận động viên pencak silat Malaysia trúng đòn ngất xỉu và không thể thi đấu nhưng được trọng tài tuyên bố đoạt huy chương vàng không phải là hiếm.
Truyền thông các nước ghi nhận nhiều trường hợp khác còn dở khóc dở cười hơn như áo giáp điện tử vận động viên chủ nhà liên tục… hết pin nên khi bị đấm trúng đích thì không nhảy điểm, hay dù có lịch cụ thể nhưng nhiều ngày liền không có xe đưa đón đoàn vận động viên khác đến sân tập khiến họ phải trễ giờ…
Không có cơ sở nào để nhận định được rằng số huy chương tăng vọt là bởi thành tích thể thao khu vực Đông Nam Á tăng cao so với trước. Người ta chỉ thấy rằng trong đó chủ yếu là để “giải quyết” bệnh thành tích là chính.
Đã có không ít người đưa ra vấn đề liệu có nên tồn tại các kỳ SEA Games khá tốn kém nhưng không hiệu quả này? Có lẽ đây là chuyện quan trọng và cần được quan tâm để tìm giải pháp phù hợp. Hiếm có khu vực nào trên thế giới duy trì một đại hội thể thao như SEA Games.
Hệ thống thi đấu quốc gia tốt, đến các giải đấu châu lục và cao hơn là các giải Olympic và thế giới, vậy là đủ để các vận động viên tham gia cũng như góp phần phát triển căn cơ nền thể thao các nước.
Tổng cục TDTT với vai trò của mình cần có những nhìn nhận, đánh giá và kiến nghị chính thức về vấn đề này để tránh lãng phí thời gian, công sức, ngân sách mà vẫn đạt được mục tiêu phát triển.

Tin cùng chuyên mục