Kiếm thuật TPHCM trên đường khôi phục

Thành tích quá khứ

Thành tích quá khứ

Môn đấu kiếm phương Tây (tạm gọi là kiếm thuật) du nhập vào Sài Gòn từ những năm đầu thế kỷ 20. Khoảng thập niên 50 đến giữa thập niên 70, Kiếm thuật được tập luyện tại Câu lạc bộ Thể thao Sài Gòn (C.S.S cũ), CLB Phan Đình Phùng, trụ sở Phong trào Phát triển Sinh viên Học sinh, các trường Taberd, Trưng Vương, Gia Long… thu hút khoảng vài trăm người và hàng năm đều diễn ra một số giải thi đấu khá sôi nổi.

Trên thao trường quốc tế, kiếm sĩ Tôn Thất Hải đã tham dự Olympic Helsinki (1952) rồi Trần Văn Xuân dự Olympic Rome (1960), Olympic Tokyo (1964), Asian Games Teheran (1974). Tháng 9-1969, kiếm sĩ Lê Hải đoạt huy chương bạc liễu kiếm, giải Kiếm thuật tại Australia mở rộng. Sau năm 1975, hàng chục kiếm sĩ vẫn tiếp tục chơi lai rai ở Nhà văn hóa Lao động cho đến gần cuối thập niên 80 thì tan rã.

  • Hà Nội đầu tư
Thành tích quá khứ ảnh 1

Các kiếm sĩ TPHCM đang tập luyện tại Thượng Hải (Trung Quốc).

Trong khi đó, Hà Nội chơi môn Kiếm thuật từ đầu thập niên 80 nhưng rồi dần dần tan rã vì “tập chay”… Mãi đến tháng 3-2001, Sở TDTT Hà Nội mới quyết định khôi phục môn thể thao này một lần nữa để chuẩn bị SEA Games 22. Hơn 200 nam nữ thanh niên đã dự cuộc tuyển chọn và đội dự tuyển được thành lập với 25 thành viên. Từ đó, các kiếm sĩ Hà Nội đã được tham dự một số giải quốc tế để học hỏi, nâng cao trình độ… Tại SEA Games 22, Kiếm thuật Việt Nam đã giành được 3 huy chương vàng, 4 bạc, 3 đồng.

  • TPHCM làm gì để gầy dựng lại phong trào?

Một thời gian dài “chìm trong lớp bụi thời gian”, Sở TDTT và Liên đoàn Võ thuật TPHCM mới quyết định khôi phục môn Kiếm thuật từ đầu năm 2005. Quá chậm, nhưng còn hơn không. Kiếm tập không có, mười mấy kiếm sinh “tập chay” dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Trung Quốc Trịnh Hiểu Lam. Với quyết tâm đầu tư nhanh, 7 kiếm sĩ TPHCM được đưa sang Thượng Hải tập huấn từ ngày 25-6 cho đến 23-8 mới trở về nước để dự giải vô địch quốc gia diễn ra tại Hà Nội vào tháng 9.

Từ ngày 5 đến 7-8 vừa qua, các kiếm sĩ TPHCM có dịp cọ xát tại giải Kiếm thuật Thượng Hải mở rộng quy tụ trên 100 vận động viên của Hồng Công, Ma Cao, Thượng Hải và giành được 1 HC bạc (Nguyễn Thị Ngọc Dung), 2 đồng (Nguyễn Thị Quỳnh Giao và Tống Ngọc Quỳnh). Tuy kết quả ban đầu còn khiêm tốn, nhưng đã đánh dấu sự hồi phục và khả năng của các kiếm sĩ thành phố.

Hiện nay lớp Kiếm thuật tại CLB Phú Thọ quy tụ gần 40 kiếm sinh từ 12 đến 20 tuổi. Bên cạnh việc cấp kinh phí mua trang thiết bị, Sở TDTT còn duyệt 10 suất dự tuyển và 20 suất Năng khiếu trọng điểm. Tập trung đầu tư cho thành tích cao để tranh chấp huy chương cùng các đơn vị bạn ở phía Bắc là mục tiêu trước mắt của Kiếm thuật TPHCM sau đó mới mở rộng phong trào cho những người dân có điều kiện. Theo cô Nguyễn Thị Kim Nga - Trưởng bộ môn Kiếm thuật TPHCM, kế hoạch xây dựng phòng tập riêng và sàn đấu Kiếm thuật đã được duyệt. Hy vọng tất cả nỗ lực trên sẽ đưa Kiếm thuật TPHCM sớm giành vị trí xứng đáng trong làng Kiếm thuật Việt Nam.

THIỆN TÂM

Tin cùng chuyên mục