Xe đạp đường trường Việt Nam: Đừng buông tay!

Ngôi vô địch SEA Games 25 mang tính lịch sử của cua rơ Bùi Minh Thụy gây hiệu ứng tức thì lên xe đạp Việt Nam: lần đầu tiên đội tuyển trẻ Quốc gia, tuyển Quốc gia được tập trung dài hạn từ đầu năm; các đội đua nước ngoài, các cua rơ nước ngoài bắt đầu tìm đến Việt Nam để thi đấu… Sự quan tâm của những người có trách nhiệm đối với xe đạp Việt Nam được ví như việc chăm sóc một đứa bé đang tập đi. Nếu các bậc “làm cha, làm mẹ” không là chỗ dựa vững chắc, “chúng” sẽ té ngã…
Xe đạp đường trường Việt Nam: Đừng buông tay!

Ngôi vô địch SEA Games 25 mang tính lịch sử của cua rơ Bùi Minh Thụy gây hiệu ứng tức thì lên xe đạp Việt Nam: lần đầu tiên đội tuyển trẻ Quốc gia, tuyển Quốc gia được tập trung dài hạn từ đầu năm; các đội đua nước ngoài, các cua rơ nước ngoài bắt đầu tìm đến Việt Nam để thi đấu… Sự quan tâm của những người có trách nhiệm đối với xe đạp Việt Nam được ví như việc chăm sóc một đứa bé đang tập đi. Nếu các bậc “làm cha, làm mẹ” không là chỗ dựa vững chắc, “chúng” sẽ té ngã…

NHỮNG TÍN HIỆU VUI

Có đến 12 cua rơ trẻ (6 nam) được tập trung vào đầu năm 2010. Đây đều là những VĐV có thành tích tốt ở các giải trẻ cũng như các giải trong nước. Đây cũng là lần đầu tiên, xe đạp Việt Nam tập hợp lực lượng trẻ đông đảo đến như vậy. HLV Trần Văn Quýt cho biết mục đích của việc tập trung lực lượng trẻ lần này nhằm chuẩn bị tranh tài tại giải trẻ châu Á. Ở đấu trường này, xe đạp Việt Nam có hy vọng đoạt huy chương nữ do các nước ít đầu tư lực lượng nữ. Về phía nam dù các nước châu Á rất mạnh, nhưng chúng ta cũng không ít hy vọng bởi góp mặt trong đội trẻ lần này là những tay đua đã khẳng định được tên tuổi như “vua nước rút” Trần Văn Quyền (Quân khu 7), hay Áo vàng Cúp Nam kỳ Khởi nghĩa 2009 Lê Nguyệt Minh…

Xe đạp Việt Nam năm 2010 sẽ rất sôi động. Ảnh: Nguyễn Nhân

Xe đạp Việt Nam năm 2010 sẽ rất sôi động. Ảnh: Nguyễn Nhân

Không chỉ ở lực lượng trẻ, tuyển nam cũng được tập trung đông đảo với đội hình được trẻ hóa rất nhiều so với trước kia. Chỉ mỗi đầu tàu Mai Công Hiếu được giữ lại, các tay đua khác như Mai Nguyễn Hưng, Bùi Minh Thụy, Lê Văn Duẩn, Phạm Hoàng Anh Tâm, Nguyễn Trường Tài đều vừa bước qua tuổi 20.

Điều quan trọng là chuyên gia Nicolai Kurkov (Kyrgykistan) được đánh giá rất “mát tay” trong công tác đào tạo VĐV Việt Nam, nhất là những VĐV trẻ. Theo đánh giá của BHL nội cũng như bản thân các tuyển thủ Quốc gia, giáo án tập luyện của chuyên gia Nicolai Kurkov được các tuyển thủ Việt Nam tiếp thu tốt. Những bài tập cường độ nặng của ông giúp các tuyển thủ Việt Nam tích lũy được nền thể lực dồi dào, đủ sức đeo bám lẫn tấn công trong khi thi đấu.

Một tín hiệu vui khác là ở các giải đấu năm 2010, trước mắt là BTV Cup diễn ra vào tháng 3 tới, một số cua rơ ngoại đã xin đầu quân thi đấu cho các CLB Việt Nam. CLB Cấp thoát nước - môi trường Bình Dương là đơn vị đầu tiên đón nhận 3 tay đua đến từ Australia, Hà Lan, Đức đầu quân thi đấu. Điều này sẽ khiến các giải đấu trong nước hấp dẫn hơn.

VÀ ĐỪNG... “BUÔNG TAY”

Cách đây gần 2 năm, đội tuyển xe đạp đường trường Việt Nam cũng tập trung thành phần trẻ. Tuy nhiên sau vài tháng “ăn cơm nhà nước”, các VĐV này chỉ tập luyện cầm chừng, cũng chẳng thấy họ xuất quân thi đấu. Do đó gần nửa năm, các VĐV này mới bị trả về địa phương. Hậu quả là họ không phát triển nhiều về chuyên môn, mà kinh phí cho đợt tập huấn như vậy lại không ít. Đó là hậu quả của cách làm việc ngẫu hứng, thiếu kế hoạch cụ thể của Liên đoàn cũng như bộ môn. Do đó, nhiều HLV không khỏi lo lắng cho tương lai của những VĐV trẻ vừa được tập trung lần này.

Đội tuyển Quốc gia khi đó cũng nảy sinh nhiều rắc rối nội bộ từ chuyện “quân anh, quân tôi” của các HLV cho đến mâu thuẫn của các cua rơ ở ngay trong đội tuyển. Những việc này cho đến tận bây giờ, khi vai trò của chuyên gia ngoại lớn dần cùng với việc thay máu VĐV giúp cho đội tuyển dần đoàn kết hơn. Điều này cần được nuôi dưỡng để đội tuyển xe đạp - môn thi đấu đồng đội trở thành một khối gắn kết.

Ngay như việc các VĐV nước ngoài đầu quân cho CLB trong nước, khi biết được sự việc thì Liên đoàn xe đạp Việt Nam lại tỏ ra lúng túng trong việc xử lí “tình huống” này. Lý do rất đơn giản bởi vẫn chưa có một quy định, quy chế nào của liên đoàn về việc cho phép chuyển nhượng, thi đấu chuyên nghiệp dù chuyện này đã được các quan chức trong BCH Liên đoàn xe đạp nhắc cách đây vài năm rồi.

Sau thành công ở SEA Games, xe đạp cũng là môn mà thể thao Việt Nam đặt mục tiêu là ẩn số thành tích của thể thao Việt Nam tại Asiad 2010, do vậy cần lắm sự quan tâm sít sao của những người có trách nhiệm.

LƯƠNG BẰNG

 

Tin cùng chuyên mục