Tiến tới Quả bóng vàng Việt Nam 2020: Ghi nhận nỗ lực của cầu thủ Việt Nam

Trong hoàn cảnh khó khăn, bóng đá Việt Nam vẫn vươn mình mạnh mẽ, trở thành điểm sáng ở khu vực và thế giới. Thế nên việc duy trì bầu chọn Quả bóng vàng (QBV) Việt Nam là điều nên làm.
Công Phượng (giữa) và Hồ Tấn Tài (bên phải) là những gương mặt xuất sắc của CLB TPHCM và B.Bình Dương. Ảnh: THANH ĐÌNH
Công Phượng (giữa) và Hồ Tấn Tài (bên phải) là những gương mặt xuất sắc của CLB TPHCM và B.Bình Dương. Ảnh: THANH ĐÌNH

 Năm 2020 đánh dấu năm đặc biệt của bóng đá Việt Nam và thế giới. Dịch Covid-19 xảy ra khiến hàng loạt giải đấu quốc tế bị tạm hoãn, lùi lịch thi đấu. Chẳng hạn, EURO 2020 và Copa America phải lùi 1 năm, diễn ra vào hè năm 2021.

Với tuyển Việt Nam, đội không thi đấu bất cứ trận đấu quốc tế nào trong năm 2020, khi 3 trận đấu vòng loại World Cup 2022 của đội bị dời sang năm 2021. Ngoài ra, AFF Cup 2020 - giải đấu mà tuyển Việt Nam đang là đương kim vô địch cũng chịu chung số phận. Phong độ tại các trận đấu quốc tế vốn là một trong những tiêu chí rất quan trọng, có năm nó còn mang tính quyết định đến chủ nhân của danh hiệu QBV Việt Nam (như Quang Hải, Đỗ Hùng Dũng được vinh danh trong các năm 2018, 2019 nhờ phần lớn từ màn trình diễn xuất sắc ở AFF Cup 2018, Asian Cup 2019 hay SEA Games 2019). Có nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh không có giải quốc tế, QBV Việt Nam 2020 không nên tổ chức. Lần gần nhất, giải thưởng cá nhân danh giá nhất của bóng đá Việt Nam không được tổ chức là năm 2013. Tuy nhiên thời điểm đó, bóng đá Việt Nam gần như xuống đáy về thành tích, niềm tin người hâm mộ cạn kiệt vì nạn bán độ, bạo lực sân cỏ.

Năm 2020 trái lại là cột mốc cho thấy sự vươn mình, khẳng định sức mạnh, khả năng ứng phó của bóng đá Việt Nam. Dịch Covid-19 khiến nhiều quốc gia đã lùi thời hạn đến 6 tháng (Thái Lan), thậm chí hủy bỏ (Indonesia)… Tuy nhiên, VFF, VPF cùng các câu lạc bộ, cầu thủ đã nỗ lực hết mình để tổ chức trọn vẹn các giải đấu trong nước (chỉ 2 lần tạm hoãn, mỗi lần tối đa gần 3 tháng). Trong hoàn cảnh đặc biệt, lịch tập luyện, thi đấu thay đổi trở nên dày đặc và khốc liệt cuối mùa, các cầu thủ Việt Nam thể hiện được ý thức chuyên nghiệp tuyệt vời. Họ tự tập luyện, biết cách giữ gìn bản thân và phong độ để thích ứng tốt nhất với các trận đấu, tạo nên V-League hấp dẫn, kịch tính nhất từ trước đến nay. Giải đấu số 1 Việt Nam không còn là cuộc “độc tấu” của Hà Nội. Thay vào đó, với thể thức mới, đội bóng của bầu Hiển đã rớt đài trước sự kiên trì, lì lợm và bản lĩnh của Viettel. Chức vô địch chỉ được quyết định ở vòng cuối khi Viettel xuất sắc đánh bại CLB Sài Gòn - hiện tượng của mùa giải.

Ngoài nỗ lực đáng ghi nhận ở V-League, cầu thủ Việt Nam còn nhiệt tình tham gia các hoạt động thiện nguyện, chung tay giúp đỡ cộng đồng, ủng hộ bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch Covid-19, ủng hộ đồng bào miền Trung gặp khó khăn vì mưa bão. Những hoạt động thiết thực của Công Phượng, Văn Toàn, Bùi Tiến Dũng, Quang Hải, Cao Văn Triền… đã mang đến nhiều điều tốt đẹp cho mọi người, lan tỏa sự tử tế, đưa bóng đá gần gũi hơn với mọi tầng lớp xã hội. Họ làm điều đó bằng sự tự giác, ý thức rõ trách nhiệm của một người có ảnh hưởng đến công chúng.

Vì những lẽ đó, dù không có sự tròn trịa, đầy đủ các giải đấu quốc tế, QBV Việt Nam vẫn nên tổ chức, để ghi nhận những nỗ lực tuyệt vời của các cầu thủ trên sân cỏ quốc nội cũng như những đóng góp thầm lặng, hữu ích đến cộng đồng.

Giải thưởng QBV Việt Nam 2020 do Báo SGGP tổ chức tiếp tục nhận được sự đồng hành hỗ trợ về mặt chuyên môn của LĐBĐ Việt Nam (VFF), Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF); nhận được sự tài trợ chính của Công ty TNHH Thái Sơn Nam, cùng các nhà đồng tài trợ: Harizan Media, Tập đoàn Hưng Thịnh, Tập đoàn VinGroup, Tập đoàn SunGroup, Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam, VIVA LIFE, World Steel, An Thanh Trầm Hương, Thuduc House, Vietnam Airlines, Công ty Đại Đông Hồ, Công ty TNHH Kiến trúc xây dựng Đức Long, Khách sạn Rex, Công Ty CP Phân bón Bình Điền...

Tin cùng chuyên mục