ASIAN Cup - Lịch sử 51 năm hình thành và phát triển

Bài 5: Việt Nam trở lại

Là một trong 9 quốc gia có mặt từ Asian Cup đầu tiên (1956), Việt Nam có thể xem mình là đồng sáng lập giải đấu lớn nhất châu Á (Co-Founder). Tuy nhiên, cuộc hành trình giữa bóng đá Việt Nam với Asian Cup cũng nhiều phen gián đoạn. Tham dự 2 năm liền 1956, 1960 (đều hạng tư), nhưng vắng mặt ở kỳ giải thứ ba 1964 tổ chức tại Israel. Sau đó, tham dự Asian Cup 4-1968, nhưng không vượt qua được vòng đấu loại, xếp thứ ba ở bảng 2, sau Hồng Công (thua 0-2) toàn thắng cả 4 trận và Thái Lan (thắng 1-0), cùng 4 điểm (2 thắng, 2 bại), nhưng kém hiệu số bàn thắng bại với đại diện xứ chùa tháp (4/4 so với 5/4).

Bóng đá Việt Nam vắng mặt liên tiếp ở các kỳ Asian Cup 1972, 1976, 1980, 1984, 1988, 1992 và chỉ trở lại kể từ Asian Cup 1996. Dù không đạt được vé vào vòng chung kết, nhưng qua các lần dự sau này, bóng đá Việt Nam từng bước tự khẳng định mình, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm hữu ích trong việc đối đầu với các đội bóng lớn.

Tại Asian Cup 1996, Việt Nam xếp ở bảng 1 vòng đấu loại diễn ra từ 4-8 đến 11-8 tại TPHCM, cùng Hàn Quốc, Đài Loan và đảo Guam. Sau đây là kết quả cụ thể 6 trận đấu trong bảng:

- Ngày 4-8: Việt Nam – Đài Loan 4-1.
- Ngày 5-8: Hàn Quốc – Guam 9-0.
- Ngày 7-8: Việt Nam – Guam 9-0.
- Ngày 8-8: Hàn Quốc – Đài Loan 4-0.
- Ngày 10-8: Đài Loan – Guam 9-2.
- Ngày 11-8: Việt Nam – Hàn Quốc 0-4.

Với 6 điểm sau 3 trận đấu, Việt Nam xếp thứ hai, sau Hàn Quốc 9 điểm, đoạt vé duy nhất dự vòng chung kết. Đài Loan 3 điểm và Guam 0 điểm xếp hai vị trí cuối bảng.

Asian Cup 2000, Việt Nam xếp ở bảng 9 vòng loại, gặp lại Guam, cùng hai vị khách mới là Trung Quốc và Philippines thi đấu vòng tròn một lượt tại Hà Nội, từ 23-1 đến 29-1. Sau đây là kết quả chi tiết:

- Ngày 23-1: Việt Nam – Guam 11-0 (Vũ Công Tuyền ghi đến 5 bàn thắng phút 25, 28, 37, 41 và 88); Trung Quốc – Philippines 8-0.

- Ngày 26-1: Trung Quốc – Guam 19-0; Việt Nam – Philippines 3-0 (Vũ Công Tuyền phút 21, Ngô Quang Trường phút 72, 88).

- Ngày 29-1: Philippines – Guam 2-0; Việt Nam – Trung Quốc 0-2.

Trung Quốc toàn thắng 3 trận, 9 điểm, giành vé duy nhất của bảng dự vòng chung kết. Việt Nam tiếp tục xếp thứ hai, với 6 điểm.

Đối với bóng đá Việt Nam thì Asian Cup 2004 có một kỷ niệm đẹp. Dù không vượt qua vòng đấu loại và thành tích tụt xuống thứ 3, do có 2 đối thủ trong bảng E, nhưng trận thắng Hàn Quốc 1-0 tạo nên cơn địa chấn dữ dội, làm ngập tràn thông tin trên các trang báo, hãng tin tại Việt Nam, Hàn Quốc và trên thế giới. Bàn thắng quý như vàng do công của tiền đạo đầy tài năng Phạm Văn Quyến ghi ở phút 76 sau pha phản công cực nhanh. Kết quả cụ thể như sau:

Thi đấu lượt đi tại Incheon, Hàn Quốc:

- Ngày 25-9-2003: Oman – Nepal 7-0; Hàn Quốc – Việt Nam 5-0.
- Ngày 27-9: Việt Nam – Nepal 5-0 (Văn Quyến phút 14, 23, 36; Nguyễn Tuấn Phong phút 22, Phan Thanh Bình phút 90); Hàn Quốc – Oman 1-0.
- Ngày 29-10: Oman – Việt Nam 6-0; Hàn Quốc – Nepal 16-0.

Thi đấu lượt về tại Muscat, Oman:

- Ngày 19-10-2003: Oman – Nepal 6-0; Việt Nam – Hàn Quốc 1-0.
- Ngày 21-10: Việt Nam – Nepal 2-0; Oman – Hàn Quốc 3-1.
- Ngày 24-10: Hàn Quốc – Nepal 7-0; Oman – Việt Nam 2-0.
Oman có 5 trận thắng, 1 bại, đạt 15 điểm và Hàn Quốc (4 thắng, 2 bại, 12 điểm) giành 2 vé dự vòng chung kết. Việt Nam 9 điểm, với 3 thắng, 3 bại, bị loại.

Kỳ sau: Mặt trời mọc trên đỉnh ASIAN Cup

Linh Giao

Thông tin liên quan

- Bài 1: Khởi đầu...

- Bài 2: Lần thứ hai về đích hạng tư

- Bài 3: Thống trị của “đế chế” Ba Tư

- Bài 4: Chuỗi vinh quang của “vua dầu hỏa”

Tin cùng chuyên mục