Chuyên đề ASIAN Cup - Lịch sử 51 năm hình thành và phát triển - Bài 1: Khởi đầu...

Tại phiên họp đầu tiên của Liên đoàn Bóng đá châu Á ngay sau khi thành lập vào năm 1954 ở Manila (Philippines), 12 thành viên sáng lập đồng ý tổ chức giải đấu cấp khu vực, gọi là Asian Cup.

Tại phiên họp đầu tiên của Liên đoàn Bóng đá châu Á ngay sau khi thành lập vào năm 1954 ở Manila (Philippines), 12 thành viên sáng lập đồng ý tổ chức giải đấu cấp khu vực, gọi là Asian Cup.

Ơ cấp độ châu lục, Asian Cup được xem là giải đấu “già” thứ nhì, chỉ sau Copa America khai sinh mãi hồi năm 1916 và xếp trên tất cả các châu khác. Nếu giải vô địch châu Âu - Euro Cup đầu tiên tổ chức vào năm 1960, còn giải vô địch châu Phi - African Nation Cup hai năm diễn ra một lần chỉ sớm hơn một chút, tức vào năm 1957, thì giải vô địch châu Á - Asian Cup tổ chức lần đầu vào năm 1956.

Giải lần đầu chỉ gồm 9 đội tham dự, thi đấu theo thể thức loại trực tiếp ở vòng loại và đấu tròn ở vòng chung kết. Ở vòng loại nhóm 1, hai quốc gia Hồi giáo là Pakistan và Afghanistan bỏ cuộc vì không chấp nhận thi đấu với Israel và đội bóng này đương nhiên vào thẳng vòng chung kết.

Tại nhóm 2 có 3 đội, nhưng bốc thăm cặp đấu sơ loại là Malaysia và Campuchia, chọn đội thắng gặp Việt Nam. Tại Kuala Lumpur (ngày 17-3), Malaysia thắng đậm Campuchia 9-2 và thắng tiếp 3-2 tại Phnompenh (24-4). Ở vòng đấu loại chính thức, Việt Nam thắng đậm Malaysia 4-0 tại Sài Gòn (ngày 3-5) và hòa 3-3 tại Kuala Lumpur (24-5). Việt Nam vào vòng chung kết bảng.

Ở nhóm 3, Hàn Quốc thắng Philippines cả hai trận lượt đi và về vòng sơ loại, với các tỉ số 2-0 tại Manila (25-2) và 3-0 tại Seoul (21-4). Hàn Quốc tiếp tục chuỗi trận thắng ở lượt đi và về ở vòng loại chính trước Đài Loan 2-0 tại Seoul (ngày 26-8) và 2-1 tại Đài Bắc (2-9). Hàn Quốc vào vòng chung kết bảng.

Thời điểm ấy, Hồng Công là thuộc địa của Anh, có tiềm lực kinh tế mạnh sẵn sàng nhận tổ chức vòng chung kết bảng, từ 1-9 đến 15-9-1956. Bốn đội Việt Nam, Hàn Quốc, Israel và Hồng Công thi đấu vòng tròn một lượt, xếp hạng. Kết quả ghi nhận như sau:

- Ngày 1-9: Hồng Công – Israel 2-3.
- Ngày 6-9: Hàn Quốc – Hồng Công 2-2.
- Ngày 8-9: Hàn Quốc – Israel 2-1.
- Ngày 9-9: Việt Nam – Hồng Công 2-2.
- Ngày 12-9: Israel – Việt Nam 2-1.
- Ngày 15-9: Hàn Quốc - Việt Nam 5-3.

Xếp hạng chung cuộc: 1. Hàn Quốc (5 điểm, hiệu số 9/6) vô địch; 2. Israel (4 điểm, 6/5); 3. Hồng Công (2 điểm, 6/7); 4. Việt Nam (1 điểm, 6/9). Lưu ý, quy định tính điểm trong thời gian này là 2 điểm cho 1 trận thắng, 1 điểm cho trận hòa và 0 điểm cho trận thua.

Tuy xếp chót trong vòng chung kết bảng, nhưng nhìn tỉ số 3 trận đấu trước chủ nhà Hồng Công khi ấy có nhiều cầu thủ gốc Anh trong đội hình, trước Israel và Hàn Quốc cũng đủ thấy thực lực và tinh thần thi đấu kiên cường của các cầu thủ Việt Nam. Có một điều kỳ lạ về lịch thi đấu tựa như 3 đội Hàn Quốc, Hồng Công, Israel đá vòng tròn trước với nhau từ 1-9 đến 8-9, sau đó lần lượt cả 3 đội “xa luân chiến” với Việt Nam trong 3 trận liền từ ngày 9-9 đến 15-9.

Tìm hiểu mới biết, Hàn Quốc và Israel sang Hồng Công bằng đường hàng không, còn Việt Nam sang muộn bằng đường biển. Khi đến nơi chưa kịp hồi phục thì ngày hôm sau ra sân đấu ngay với chủ nhà, vốn được nghỉ 3 ngày trước đó, nếu không... Còn Israel được nghỉ 4 ngày (hơn Việt Nam 1 ngày) và Hàn Quốc lợi thế nhất, với 7 ngày nghỉ, hồi phục sức khỏe lẫn chấn thương (hơn Việt Nam 4 ngày). Vị trí hạng 4/9 châu Á trong lần đầu tổ chức đối với làng cầu Việt khi ấy thật đáng khích lệ. Bóng đá Việt Nam khi ấy có thể đánh giá là đứng đầu Đông Nam Á và điều này được kiểm chứng chính xác với tấm huy chương vàng SEA Games 1 chỉ 3 năm sau.

Bài 2: Lần thứ hai về đích thứ tư

Linh Giao

Tin cùng chuyên mục