Thể thao đỉnh cao TPHCM: Sức ì quá lớn

Hội thảo Chiến lược khôi phục - phát triển thể thao TPHCM giai đoạn 2011-2020 đã kết thúc được gần hai tuần nhưng những vấn đề được ông Nguyễn  Hùng, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM nêu ra xung quanh việc vực dậy nền thể thao TPHCM dường như chìm vào quên lãng.

Hội thảo Chiến lược khôi phục - phát triển thể thao TPHCM giai đoạn 2011-2020 đã kết thúc được gần hai tuần nhưng những vấn đề được ông Nguyễn  Hùng, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM nêu ra xung quanh việc vực dậy nền thể thao TPHCM dường như chìm vào quên lãng.

  • “Ai làm, ai được làm, ai biết làm và ai dám làm?”

Với những người am hiểu nội tình thể thao TPHCM, các câu hỏi của ông Nguyễn Hùng xung quanh việc vực dậy thể thao thành tích cao của TPHCM: “Ai làm, ai được làm, ai biết làm và ai dám làm?” biểu lộ một sự bất lực nhất định của một người dám làm và dám chịu trách nhiệm mà dân thể thao TPHCM kỳ vọng.

Tuy nhiên, đến nay, lửa yêu nghề ở ông Hùng dường như đã nguội lạnh.  Theo ông, những ý kiến đóng góp của các đại biểu trong buổi hội thảo như : “Thể thao TPHCM quá đầu tư dàn trải, chế độ đãi ngộ cào bằng” của Tổng Thư ký Liên đoàn Thể thao dưới nước Chung Tấn Phong; “Thể thao TPHCM đừng bao giờ đặt mục tiêu trở lại vị trí số 1 tại Đại hội TDTT toàn quốc, mà phải đầu tư định hướng xa hơn cho Asiad hay Olympic” của ông Lê Duy Khánh, Phó Vụ trưởng, đại diện cơ quan đại diện tại TPHCM thuộc Bộ VH-TT-DL, là không hề sai. Thậm chí, những góp ý kiểu này cách đây nhiều năm đã từng được đề cập.

  • Cần sự đồng thuận

Ngành thể thao TPHCM đang chuẩn bị một loạt kế hoạch, kiến nghị thực hiện cải tổ về mặt quản lý, trong đó tập trung vào các môn trọng điểm. Định hướng cốt lõi của các kế hoạch là phân việc sát hơn cho các nhà làm chuyên môn, không thực hiện theo kiểu cào bằng.

Tuy nhiên, những định hướng trên bước đầu đã gặp khó khăn khi rất ít các trung tâm thể thao nhận trách nhiệm chăm lo cho bộ môn. Một trung tâm lớn như nhà thi đấu Phú Thọ đến nay vẫn chưa nhận môn nào dù cơ sở vật chất khá tốt. Trong khi đó, môn bóng chuyền lại được phân cấp dàn trải cho Tân Bình (nữ) và Phú Nhuận (nam) trong khi trước nay, môn này do Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng đảm nhiệm. Dù chỉ mới ở giai đoạn thử nghiệm nhưng xem ra, để vực dậy 9 môn trọng điểm đang trên đà sa sút là không dễ và rất mất thời gian. Chính vì vậy, cũng đã có ý kiến đề xuất xây dựng khu trường đua Phú Thọ làm trung tâm huấn luyện tập trung đỉnh cao nhưng đến nay, kế hoạch này vẫn chỉ là ý tưởng.

Những người thực hiện kế hoạch vực dậy 9 môn thể thao trọng điểm cũng phải thừa nhận, xây dựng kế hoạch là một chuyện, có được sự đồng thuận để thực hiện lại là chuyện khác. Rõ ràng, muốn vực dậy thể thao TPHCM, trước tiên phải thay đổi từ công tác quản lý.

MINH TRUNG - THÚY OANH

Các trung tâm TDTT tại TPHCM đang hoạt động theo cơ chế tự thu - chi. Ngoài làm chuyên môn, còn phải kiếm tiền để duy trì hoạt động. Nơi mạnh dạn như sân Thống Nhất đề xuất nhận 2 môn điền kinh và bóng đá cũng xin được hỗ trợ thêm ngân sách. Sức ép tài chính khiến các trung tâm TDTT rất ngại nhận thêm việc. Đó là chưa nói đến những trách nhiệm về thành tích.

Tin cùng chuyên mục