Những “ông già gân”

Năm ngoái, Khánh Hòa thăng hạng sau gần 10 năm chia tay V-League, trong đội hình của họ có Lê Tấn Tài, người từng đoạt Quả bóng bạc năm 2012. Còn trong danh sách thi đấu của Hà Nội tại mùa giải V-League năm nay, vẫn còn đó Phạm Thành Lương, người đang giữ kỷ lục 4 Quả bóng vàng.

Thông thường, khi được xướng tên ở gala trao giải Quả bóng vàng, cũng có nghĩa là cầu thủ đó đạt đến đỉnh cao sự nghiệp. Và hiểu theo một cách khác, họ thường “đi xuống” từ đó, dù không ít người bền bỉ phong độ theo thời gian.

Lê Tấn Tài thăng hạng cùng Khánh Hòa khi anh 38 tuổi, tức là cách lúc đỉnh cao đến 10 năm. Người hâm mộ Khánh Hòa gọi anh là “cây trường sinh”, không chỉ vì việc anh có thời gian thi đấu dài mà còn vì Tấn Tài gắn bó với đội bóng quê hương trong mọi thăng trầm.

Có đến 2 lần, Tấn Tài cùng đội bóng đá ở giải hạng nhất để giành quyền thăng hạng. Sự nghiệp bền bỉ đó được ghi nhận với Quả bóng bạc (2012) và 2 Quả bóng đồng (2005, 2006). Năm nay, Lê Tấn Tài chính thức chia tay sân cỏ và chuyển sang làm trợ lý ở đội U20 Việt Nam cho đàn anh Hoàng Anh Tuấn.

Thủ môn Bùi Tấn Trường cũng là một “ông già gân” khác. Thủ thành người Đồng Tháp từng đoạt Quả bóng đồng năm 2009, cách đây 14 năm, nhưng hiện anh vẫn đang là người gác đền số 1 của đương kim vô địch Hà Nội, cùng suất trên đội tuyển quốc gia.

Nhìn những gì mà Bùi Tấn Trường đang thể hiện ở Hà Nội, không ai biết thủ môn 36 tuổi này có thể thi đấu thêm bao nhiêu năm nữa vì với phong độ hiện tại, nếu anh có tên trong danh sách bầu chọn Quả bóng vàng Việt Nam, đó cũng là điều không bất ngờ.

Lần mà Phạm Thành Lương đoạt Quả bóng vàng lần thứ 3 (2014), Nguyễn Văn Quyết chỉ mới đoạt Quả bóng bạc. Đến khi đàn em chính thức đăng quang năm 2020 ở tuổi 29, Phạm Thành Lương vẫn còn thi đấu. Dù chủ yếu vào sân từ ghế dự bị, nhưng chưa có HLV nào của Hà Nội ngần ngại trong việc đưa Thành Lương vào sân, nhất là ở những thời điểm đội cần khai thông bế tắc.

Không phải ai cũng có thể trụ được ở tuổi 34 tại đội bóng có rất nhiều tài năng trẻ, ngôi sao như Hà Nội. Điều đáng nói là lần đầu Lương “dị” đoạt Quả bóng vàng khi mới 21 tuổi. Cho đến nay, anh vẫn vẹn nguyên đam mê chơi bóng, một tấm gương cho cầu thủ trẻ.

Nhưng “đặc sắc” nhất trong lịch sử Quả bóng vàng Việt Nam có lẽ là tiền đạo Nguyễn Anh Đức. Đến 30 tuổi, anh mới lần đầu có tên trong tốp 3 và đoạt luôn danh hiệu cao nhất. Rồi sau đó, lại liên tiếp 2 lần Quả bóng bạc ở tuổi 32 và 33. Gọi anh là “đóa hoa nở muộn” cũng được, mà là “gừng càng già, càng cay” chắc cũng không sai.

Tin cùng chuyên mục