Dùng hình tượng “người lái đò”, bởi ông Riedl đã “chuyên chở” một nền bóng đá đang ở trong một chút hoài nghi về thân phận, về nội lực... sang một bến mới có nhiều khao khát hơn.
Ông Riedl cũng “chuyên chở” một thế hệ cầu thủ tài hoa đi qua những gập ghềnh vốn dĩ quen thuộc của một nền bóng đá nghiệp dư, được ra đến cửa biển. Đa số các cuộc hành trình của bóng đá Việt Nam dưới thời ông Riedl đều dừng lại một cách tiếc nuối trước khi hòa mình vào đại dương.
Thế nên, kết hợp với cá tính trầm mặc, sự khó tính của một ông giáo làng, Alfred Riedl mang dáng vẻ của người lái đò bản lĩnh, gan dạ hơn là một vị thuyền trưởng uy nghi, quyền lực như các ông Calisto, Park Hang-seo sau này.
Nhưng “người lái đò” Alfred Riedl chính thực là “người ơn” của bóng đá Việt. Ở trong một giai đoạn cụ thể, khoảng 1998-2008, bóng đá Việt Nam rất phức tạp, rất khó hòa nhập. Đó là thời gian vừa kết thúc quá trình bao cấp và cũng chỉ mới chập chững những bước đầu của giai đoạn chuyên nghiệp. Mọi thứ khó khăn như kiểu người ta hay ví von “có Mourinho sang cũng chẳng ăn thua”.
Phong cách “lái đò” của ông Riedl đặc biệt phù hợp ở giai đoạn ấy. Ông “chuyển đổi trạng thái” bằng cách “xin” các chuyến tập huấn nước ngoài. Nó tốn kém, nhưng đổi lại, các cầu thủ Việt Nam khi đó rất thích lên tuyển để đi đây - đi đó.
Ông Riedl cũng là người thích xây dựng đội hình theo một nhóm cầu thủ đến từ một CLB. Ông hiểu rõ sự phức tạp của “vùng - miền”, nên chọn cách dễ kiểm soát nhất là chọn khung từ CLB. Điều đó bấy giờ cũng đã không còn tồn tại nhiều, nhưng hơn 15 năm trước, không làm như ông Riedl là bóng đá Việt Nam sẽ không thể thành công.
Không phải tự nhiên mà ông Riedl có đến 3 giai đoạn làm việc, tổng số thời gian gắn bó với bóng đá Việt Nam lên đến 9 năm, bao gồm lúc huấn luyện các đội Khánh Hòa, Hải Phòng. Giữa ông và đất nước Việt Nam còn có sợi dây liên kết khác, thông qua lần ông được hiến thận. Đấy quả là một cái duyên, nhờ thế mà bóng đá Việt Nam mới có cơ hội “đổi đời” trong vòng 10 năm trở lại đây. Ông Riedl là người đầu tiên khẳng định “có thể đánh bại Thái Lan” bằng trận thắng 3-0 ở Tiger Cup 1998.
Ông cũng là người tạo ra “cơn địa chấn châu Á” khi đánh bại Hàn Quốc ở vòng loại Asian Cup 2004. Ông cũng là người thiết lập vị trí ở tứ kết Asian Cup 2007 và dưới thời của ông, đội tuyển Việt Nam có thứ hạng FIFA cao nhất. Tất cả những chi tiết đó, cho đến nay, vẫn chưa ai có thể vượt qua. Và nếu chúng ta đặt các cột mốc ấy vào thời điểm hơn 10 năm trước, thì càng thấy cố HLV Alfred Riedl đã dầy công dựng nên một ngọn hải đăng lớn lao như thế nào.
Vĩnh biệt ông, người lái đò bóng đá Việt!