Làm quen với thể thao và đầu ra việc làm khi giải nghệ

Thể thao sẽ có những chương trình cụ thể đối với hướng nghiệp cho VĐV sau thi đấu cũng như những chương trình thiết thực để các nội dung được đến trường học, phổ cập với học sinh.

Khi điền kinh được phổ cập nhiều hơn trong học sinh, những chân chạy tốt như Như Yến sẽ được phát hiện để lực lượng điền kinh Việt Nam có nhiều tài năng triển vọng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Khi điền kinh được phổ cập nhiều hơn trong học sinh, những chân chạy tốt như Như Yến sẽ được phát hiện để lực lượng điền kinh Việt Nam có nhiều tài năng triển vọng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Lần đầu tiên, điền kinh Việt Nam sẽ có một chương trình riêng biệt với tên gọi Điền kinh cho trẻ em. Đây là hoạt động được Tổ chức Điền kinh thế giới xây dựng đã thực hiện ở nhiều quốc gia với sự đồng hành của Liên đoàn điền kinh các nước. Bây giờ, điền kinh Việt Nam sẽ thực hiện. “Việc xây dựng chương trình để thực hiện Điền kinh cho trẻ em đã được chúng tôi làm việc và các chương trình sẽ có sự kết hợp của Bộ Giáo dục & Đào tạo với mục tiêu trên hết giúp học sinh Việt Nam biết nhiều hơn thế nào là điền kinh”, Tổng thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam – ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Nếu trong các trường học (ở các cấp) tại nhiều địa phương, các chương trình dành cho học sinh mới chỉ mang ý nghĩa là môn thể dục, mang mục tiêu về giáo dục thể chất. Khi điền kinh đưa vào trường học, tính vận động được đề cao hơn. “Mọi người sẽ e ngại về bài toán cơ sở vật chất. Điều này sẽ không khó bởi chương trình Điền kinh cho trẻ em không phải cần sân vận động lớn hay cần những đệm nhảy... mà trước mắt chương trình thực hiện để học sinh nắm bắt các nội dung của điền kinh, hay thay thế những cây lao, những ống gậy tiếp sức bằng những vật dụng phù hợp để học sinh làm quen bước đầu và trong đó có cả các bài tập luyện”, ông Hùng trao đổi thêm.

Để đi tới thời điểm cụ thể sẽ tổ chức chương trình Điền kinh cho trẻ em (thực hiện đầu tiên tại Hà Nội) vào ngày 15 và 16-5 tới đây, nhà quản lý đã cử cán bộ tham gia lớp đào tạo chuyên môn của Hiệp hội điền kinh châu Á (AAA) ở năm 2023 tại Thái Lan. Đó là thời điểm, những nội dung, kiến thức về chương trình dành cho Điền kinh trẻ em được gợi mở và chúng ta thấy được sự phù hợp, cần thiết thực hiện tại Việt Nam.

Điền kinh là vận động. Ở các cấp học, kể cả bậc Trung học chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học tại Việt Nam thì chương trình giáo dục đều đưa vào nội dung thể chất kết hợp tập luyện trong chương trình học văn hóa dành cho học sinh sinh viên. Tuy nhiên, để làm thế nào điền kinh Việt Nam phát hiện thêm những tài năng thì người làm chuyên môn của từng đơn vị đều nỗ lực đi tìm kiếm các gương mặt mới qua mỗi mùa tuyển quân. Thực tế, không ít VĐV đã được phát hiện từ những giải chạy ở các trường học tại địa phương. Một khi chương trình Điền kinh cho trẻ em được nhân rộng trên nhiều địa phương, và thực hiện đầy đủ (với sự kết hợp của ngành thể thao và Bộ Giáo dục & Đào tạo), cơ hội có được những tài năng mới cho điền kinh nước nhà là rất khả quan.

Ở một chiều hướng khác, thể thao Việt Nam đang thực hiện một số chương trình dành cho VĐV, ở đó là sự định hướng nghề nghiệp sau thi đấu. Nếu tìm được một tài năng để mời gọi theo tập, làm VĐV thể thao chuyên nghiệp đã khó, việc VĐV giải nghệ tìm công việc ổn định càng khó hơn.

Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Chính phủ và do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Bộ VH-TT-DL, Cục TDTT đã tổ chức thời gian qua. Điển hình mới đây, chương trình truyền thông về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho nữ VĐV được thực hiện tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội, thu hút đông đảo VĐV các đội tuyển thể thao quốc gia đang tập huấn quan tâm. Thực tế, nhà quản lý vẫn đang tìm những lời giải hữu hiệu nhất để có đáp án thực tế trong việc hỗ trợ các VĐV (không chỉ riêng nữ VĐV) thêm kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp làm hành trang cho bản thân khi giải nghệ.

IMG_7821.jpg
Buổi trao đổi về hướng nghiệp cho VĐV nữ được Cục TDTT và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức vừa qua tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội. Ảnh: LƯỢNG LƯỢNG

Thời gian qua, ngành thể thao đã ký kết rất nhiều chương trình học bổng dành cho các VĐV thể thao cùng Đại học Đại Nam, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là cơ hội tốt mở ra khả năng được học để có bằng cấp giúp VĐV tự tin hơn, tìm được thêm các công việc phù hợp sau giải nghệ nếu không tiếp tục làm về thể thao. Nhưng thực tế phải nhìn nhận, thể thao có tính đặc thù. Chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ. VĐV luôn phải dành toàn bộ thời gian cho tập luyện, thi đấu chuyên môn do thế nếu muốn theo học một tấm bằng Đại học (bên ngoài lĩnh vực thể thao), từng người phải rất nỗ lực mới theo được. Cái quý nhất của VĐV chính là thời gian. Chính vậy, họ luôn phải cân đối để làm sao có thời gian phù hợp tập luyện thi đấu chuyên môn song hành với học tập (nếu có).

Tin cùng chuyên mục