
Đối với nhiều tín đồ quần vợt, việc giải Pháp mở rộng (French Open) - Grand Slam duy nhất diễn ra trên mặt sân đất nện - buộc phải di dời khỏi khu phức hợp thể thao Roland Garros vốn là một tin không vui. Kim Clijsters, tay vợt nữ số 1 thế giới người Bỉ, cũng từng nói là việc French Open dời khỏi Roland Garros sẽ khiến “Tuổi thơ của cô bị đánh mất”. Tuy nhiên, LĐQV Pháp (FFT) đã đưa ra một quyết định “hợp lòng người” dù nó ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của French Open, đó là tiếp tục duy trì French Open ở Roland Garros, gạt những “ứng cử viên” như Versailles, Gonesse và Marne-La-Vallee sang một bên.

Roland Garros sẽ được mở rộng thêm 60% nhưng vẫn giữ lại những giá trị truyền thống.
Trước mắt, FFT sẽ tìm cách cách tân lại địa điểm thi đấu cũ là Roland Garros, hiện đại hóa trong khả năng có thể với những cơ sở hạ tầng ở đây nhằm tạo ra những thay đổi trong khuôn khổ cần thiết. Việc Versailles, Gonesse và Marne-La-Vallee không được FFT chọn vào giờ chót cũng liên quan đến vấn đề kinh tế và tài chính, có thể việc di dời French Open đến 1 trong 3 địa điểm ở trên sẽ mang lại sự phát triển trong tương lai cho French Open. Tuy nhiên, điều đó nghĩa là FTF buộc phải xây dựng lại một trung tâm - khu phức hợp để tập luyện, thi đấu kèm khán đài và các công trình bổ trợ ngay từ đầu và như vậy là rất đắt đỏ…
Hôm Chủ nhật qua, FFT tuyên bố: “LĐQV Pháp đã quyết định sẽ tiếp tục tổ chức French Open ở Roland Garros, nằm trong khu Porte d’Auteuil”. Bên cạnh tuyên bố này, FFT còn cho biết họ sẽ tiến hành cải tạo Roland Garros (nằm phía tây Paris trong hơn 80 năm nay), xây dựng Roland Garros rộng hơn 60%, trong khi vẫn cố giữ vững những giá trị truyền thống để nơi đây vẫn là một địa điểm lịch sử thể thao độc nhất vô nhị. Theo FFT, một Roland Garros “mới” sẽ có 35 sân đấu ngoài trời, một trung tâm báo chí mới và một sân đấu trung tâm với mái che di động để các trận đấu có thể tiếp tục diễn ra, bất chấp trời mưa hay là… tối trời!
“Đây là một dự án đầy tham vọng và thật sự hướng tới tương lai”, Chủ tịch FFT - ông Jean Gachassin - lý giải về quyết định của mình, “Tham vọng của chúng tôi là đưa ra một dự án có thật trong tương lai, và cũng là một dự án có chất lượng cao. Chúng tôi nhắm đến mục tiêu cải thiện sự tiếp đón với tất cả mọi người và tạo ra sự thoải mái cho các tay vợt, các khán giả khi đến với Roland Garros”. Cũng theo FFT, việc cải thiện Roland Garros để mang lại cho địa điểm này một diện mạo mới “chỉ” tốn khoảng 370 triệu USD, trong khi đó, việc xây mới một trung tâm thi đấu sẽ tiêu tốn từ 630 triệu USD đến 1 tỷ USD. Cách biệt quá lớn…

Chủ tịch FFT Jean Gachassin tuyên bố: “Roland Garros sẽ tiếp tục tổ chức French Open”.
Trong cuộc bỏ phiếu bầu chọn, địa điểm Gonesse đã bị loại ngay ở vòng đầu tiên, còn địa điểm Versailles thì bị loại ở vòng 2. Ở trong vòng bỏ phiếu cuối cùng, Roland Garros đã nhận được đến 70,13% phiếu ủng hộ, một con số áp đảo hoàn toàn so với địa điểm Marne-La-Vallee. Chủ tịch Gachassin sau đó vui sướng cho biết: “Tôi muốn chúc mừng tất cả những ứng viên đã tham gia cuộc thuyết trình, trong đó đặc biệt là Thị trưởng Paris Bertrand Delanoe. Thị trưởng Delanoe đã đảm nhận và hoàn thành một công việc thật tuyệt vời khi giới thiệu một dự án thật hoàn hảo để giữ French Open ở lại với địa điểm Roland Garros”.
Roland Garros là địa điểm… nhỏ nhất trong số 4 “thánh đường” tổ chức Grand Slam trên thế giới, bên cạnh Melbourne Park của Australian Open, All England Club của Wimbledon và Flushing Meadows của US Open. Người hâm mộ và các tay vợt thường xuyên phàn nàn về sự bất tiện của những hành lang, những lối đi nhỏ hẹp trong khuôn viên của Roland Garros. Ngay cả khán đài của Roland Garros cũng rất nhỏ, gây nhiều bất tiện. Vấn đề là việc nâng cấp, cải tạo những khán đài này từng là chuyện rất… nan giải cho Roland Garros vốn nằm trong một khu trung tâm thành phố, khi những hộ dân gần đó đồng loạt phản đối…
Tuy nhiên, có vẻ FFT tìm ra hướng giải quyết với những hỗ trợ tối đa từ chính quyền thành phố Paris. Kế hoạch mở rộng Roland Garros từ 21,3 mẫu Anh lên 33,8 mẫu Anh đã được đề ra. Một trong những dự án xây mới - với một sân đấu mới có sức chứa lên tới 8 ngàn khán giả - cũng đã được thông qua. Ngoài ra, Roland Garros cũng sẽ được phép sử dụng cơ sở hạ tầng của những địa phương khác như đất ở Stade Jean Bouin, nơi đội bóng bầu dục Stade Francais sử dụng như là sân nhà cho đến khi sân đấu bị tháo gỡ 2 năm về trước. Một tương lai tươi sáng đang rộng mở ngay phía trước của Roland Garros, nơi bụi đỏ vẫn đang bay mịt mù.
Phản ứng của một số tay vợt Kim Clijsters vui mừng Là một người không hề giấu giếm quan điểm muốn giữ French Open ở lại với Roland Garros, tân Nữ hoàng của WTA Kim Clijsters đã tỏ ra nhiệt liệt hoan nghênh quyết định của FFT: “Tôi từng nghĩ là rất buồn khi chứng kiến French Open dời khỏi Roland Garros. Nơi đây là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm, nhiều ký ức của tôi khi còn là một cô bé con. Xin hoan nghênh quyết định của FFT”. Amelie Mauresmo thận trọng Dù là một người cũng có rất nhiều kỷ niệm với Roland Garros, cựu số 1 thế giới Amelie Mauresmo (hiện là GĐĐH giải Open Gaz de France) tỏ ra rất thận trọng với quyết định của FFT. Theo cô, French Open nên được dời khỏi Roland Garros. Mauresmo nói: “Tôi hy vọng họ (FFT) không gặp rắc rối với quyết định của mình. Tôi không biết liệu giới quần vợt chúng ta có giành chiến thắng với quyết định đó hay không. Tôi có một số hoài nghi. Tôi đã từng nói rõ ràng là tôi muốn có một sự phát triển, một tham vọng rõ ràng, và chỉ có sự di dời mới có thể mang lại những điều đó. Nếu bạn có thể giữ vững những giá trị lịch sử ở một địa điểm đủ rộng lớn và hiện đại để mọi người đều có thể cảm thấy hạnh phúc, cả khán giả đến những tay vợt, để những trận đấu đêm có thể diễn ra, để trời mưa không thể khiến lịch đấu đình hoãn, để mọi thứ trở nên hoàn hảo và tuyệt vời. Nếu bạn có thể giữ được tất cả những điều kiện ấy, thì quả thật tuyệt vời. Nhưng tôi không chắc điều đó với Roland Garros…”. TIỂU PHI |
ĐỖ HOÀNG