Món quà cho bóng đá Việt
…Ngay trong đêm đáng nhớ đó, phương án tổ chức Giải thưởng Quả bóng vàng (QBV) Việt Nam chỉ với nhiều cái gạch đầu dòng trên một mặt của tờ giấy A4 được fax về TPHCM để hôm sau trình Ban biên tập. Đó là một khoảnh khắc lịch sử, không chỉ với giải thưởng mà còn là một phần không thể tách rời của bóng đá Việt Nam.
Năm 1996, là kỳ trao giải đầu tiên được tổ chức trong hội trường nhỏ của Báo SGGP. Đến kỳ trao giải năm 1997, là gala diễn ra ngoài trời ngay tại khuôn viên hồ bơi Phú Thọ. Đến năm 2001, giải thưởng ghi nhận sự có mặt lần đầu tiên của bóng đá nữ với danh hiệu Quả bóng đồng trao cho danh thủ Lưu Ngọc Mai.
Một năm sau, hạng mục dành cho bóng đá nữ ra đời, bên cạnh các hạng mục dành cho cầu thủ trẻ và cầu thủ ngoại xuất sắc đã có từ năm 2000. Đến năm 2015, với hạng mục dành cho futsal, thì QBV Việt Nam đã “bao phủ” toàn bộ đời sống của bóng đá Việt. Không còn ai bị bỏ lại phía sau.
Làm thế nào để một giải thưởng do một đơn vị truyền thông khởi xướng và tổ chức lại có thể trường tồn theo thời gian gần 3 thập niên đi kèm với những gánh nặng về tài chính ở mỗi kỳ trao giải? Đó là một câu hỏi mà ngay cả đối với những người sáng lập và các thành viên tổ chức sau này cũng không thể trả lời một cách cụ thể. Đơn giản là ở mỗi kỳ bầu chọn, ban tổ chức đều phải đối diện với các vấn đề khác nhau.
Đôi khi chỉ là vài rắc rối nhỏ về việc tìm nơi đặt mua những chiếc cúp hình quả bóng có chất lượng lưu giữ lâu dài. Nhưng nhiều năm, vấn đề lớn hơn rất nhiều khi không thể tìm được đơn vị tài trợ để đủ kinh phí trao giải. Đó là các thời điểm mà thành tích bóng đá Việt Nam rơi xuống mức thấp nhất. Công chúng thờ ơ, nhà tài trợ dè dặt vì ngại bị ảnh hưởng đến thương hiệu.
Không đủ kinh phí để tổ chức gala, có hơn 2 lần, Báo SGGP phải tự lo mọi chi phí để đến tận nơi trao thưởng cho các cầu thủ. Rồi năm 2013, lần đầu tiên Giải thưởng QBV Việt Nam không thể diễn ra khi bóng đá Việt Nam thất bại gần như trên mọi phương diện, từ hệ thống thi đấu nội địa đến thành tích của các đội tuyển. Nhưng chính những thời điểm khó khăn ấy mới là động lực lớn nhất để Giải thưởng QBV Việt Nam phát triển và lớn mạnh cho đến bây giờ.
Đó chính là một khía cạnh đáng quý của cuộc sống. Ở những lúc phải đắn đo “dừng lại hay làm tiếp”, các nhà tổ chức lại nhận được nhiều lời động viên từ đồng nghiệp, giới bóng đá và cả cộng đồng người hâm mộ. Khi đối diện với việc cân nhắc “được hay không”, thì hóa ra, câu trả lời lại vô cùng đơn giản: Phải tiếp tục!
Sự tồn tại hay uy tín của giải thưởng không quan trọng bằng việc các cầu thủ cần phải được ghi nhận, tôn vinh. Quá trình lao động của họ trong một năm, dù có kết quả tốt hay xấu thì cũng vẫn đầy đủ ý nghĩa. Quan trọng hơn tất cả, với một nền bóng đá đang phát triển như Việt Nam thì luôn cần sự chia sẻ, tiếp sức, động viên từ xã hội. Nếu thấy thành tích đi xuống mà bỏ cuộc, thì đâu còn là tinh thần bóng đá, tinh thần của thể thao.
Chặng đường vinh quang
27 năm là một chặng đường rất dài đối với một giải thưởng và nhiều thế hệ làm Báo SGGP. Nhưng thật đáng tự hào khi Giải thưởng QBV Việt Nam nay đã là một phần quan trọng trong cuộc hành trình vươn tầm thế giới của bóng đá Việt. Năm 2015, giải thưởng futsal ra đời ở thời điểm đội tuyển làm nên lịch sử với tấm vé dự World Cup.
20 năm sau ngày hạng mục QBV nữ xuất hiện, các cô gái của chúng ta đã lần đầu tiên được dự World Cup. Những giấc mơ tưởng chừng như không thể, nay đều nằm trong tầm tay. Từ cái ngày mà danh thủ Trần Minh Chiến tung cú vô lê ghi bàn thắng vàng, đưa đội tuyển bóng đá nam lần đầu tiên vào chơi chung kết SEA Games cho đến nay, bóng đá Việt Nam đã tiến nhanh với bước chân Thánh Gióng, tiếp cận đẳng cấp của tốp đầu châu lục và thực hiện các chiến lược World Cup một cách khả thi.
Và trên cuộc hành trình vinh quang ấy, có những thời khắc khó quên của những Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn, Dương Hồng Sơn, Lưu Ngọc Mai, Văn Thị Thanh… trên bục trao Giải thưởng QBV Việt Nam. Họ là một phần của QBV, một giải thưởng đã nâng bước cho các huyền thoại và song hành cùng vinh quang của thời đại.
Trải qua 25 kỳ trao giải, với những người làm Báo SGGP thì câu chuyện về những giá trị tiên phong không còn là điều quá quan trọng, thay vào đó là niềm tự hào được ghi nhận như những người đã đóng góp và đồng hành cùng với sự phát triển của bóng đá Việt Nam. |