Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam 2021: Ngọn lửa trái tim

Năm 2021 là năm hết sức đặc biệt với thể thao Việt Nam. Và ở đó, nhìn từ lăng kính của Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam, chúng ta càng thấy được sức sống, bản lĩnh của bóng đá nước nhà.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê trao giải Quả bóng vàng Việt Nam 2020 cho cầu thủ Nguyễn Văn Quyết. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê trao giải Quả bóng vàng Việt Nam 2020 cho cầu thủ Nguyễn Văn Quyết. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Ý tưởng ra đời Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam xuất phát từ một hình ảnh đẹp, là cú demi vô-lê hoàn hảo của danh thủ Trần Minh Chiến, đưa Việt Nam lần đầu vào chung kết môn bóng đá tại SEA Games 18 (năm 1995). Nhưng không nhiều người biết, bàn thắng đó được thực hiện bởi cái chân đau với đầu gối quấn kín băng và Trần Minh Chiến phải tiêm thuốc giảm đau khẩn cấp để có thể được đăng ký thi đấu. 

Phân nửa đội hình của đội tuyển Việt Nam khi đó cũng ở trong tình trạng tương tự sau trận “tử chiến” với Indonesia ở vòng bảng để lần đầu giành quyền vào bán kết SEA Games. Myanmar sử dụng lối chơi cực rắn trong trận bán kết (đã phải nhận đến 2 thẻ đỏ) để ngăn cản lối chơi bóng kỹ thuật của các cầu thủ Việt Nam khi đó. Nhưng các cầu thủ của chúng ta đã thể hiện được bản lĩnh khó tin, nghiến răng nén đau, dồn ép đối thủ cho đến khi bàn thắng vàng của Trần Minh Chiến khiến cả đất nước vỡ òa niềm vui.

Đó là khởi nguồn của Quả bóng vàng Việt Nam, giải thưởng dành cho các cá nhân xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam do Báo SGGP khởi xướng và tổ chức. Ngay từ đầu, dấu ấn của bản lĩnh, của tinh thần Việt Nam đã truyền cảm hứng và tạo nên các giá trị vững bền theo thời gian.

26 năm sau - năm 2021, ở kỳ bầu chọn lần thứ 25, câu chuyện của bản lĩnh Việt Nam lại được viết tiếp theo một cách đặc biệt. Nó đặc biệt ở chỗ, đây là năm khó khăn nhất của bóng đá Việt Nam trên mọi phương diện, nhưng cũng là thời điểm mà người hâm mộ lại được sống trong niềm tự hào về sức sống và bản lĩnh của bóng đá nước nhà. 

Một số hạng mục của Quả bóng vàng Việt Nam đã không thể được thực hiện, nhưng không phải xuất phát từ chất lượng của cầu thủ hay những vấn đề của bóng đá Việt Nam như trước đây, mà đến từ những tác động của dịch Covid-19. V-League bị hủy bỏ giữa chừng, các sự kiện bóng đá trẻ không thể diễn ra. Hàng trăm cầu thủ rơi vào cảnh giảm thu nhập, thậm chí thất nghiệp khi rơi vào tình trạng hơn nửa năm không thể hành nghề. 

Nhưng vào lúc gian khó, những kỳ tích đã xuất hiện. Đội tuyển Futsal Việt Nam lần thứ 2 liên tiếp dự World Cup và tiếp tục vượt qua vòng bảng. Họ đã làm điều đó như thế nào khi mà suốt cả năm trời không thể thi đấu trong nước? Nếu có mặt trong phòng thay đồ trước các trận đấu để nghe hành khúc Đường chúng ta đi  (Thơ Xuân Sách, nhạc Huy Du) được mở thật hùng tráng; nếu cùng các cầu thủ lặng người xem những câu chuyện tại quê nhà đang oằn mình chống dịch, nghe những lời động viên từ người thân, hẳn bạn sẽ hiểu vì sao các cầu thủ của chúng ta lại có thể vượt qua những bất lợi về thể hình, kiên cường đối đầu với các đối thủ có đẳng cấp cao hơn để tạo ra những cơn địa chấn làm nức lòng người hâm mộ ở xa hàng ngàn cây số.

Cũng như cuộc hành trình tại vòng loại World Cup 2022 của đội tuyển Việt Nam vậy. Tháng 5, V-League buộc phải dừng lại vì Covid-19. Toàn thể đội tuyển dưới quyền HLV Park Hang-seo phải ở trong tình trạng “bong bóng” để đảm bảo phòng dịch: cắt đứt mọi cuộc tiếp xúc, sống biệt lập chỉ từ phòng nghỉ bước ra sân tập hoặc thi đấu. Chỉ trong vòng 5 tháng, các cầu thủ đã phải chơi hơn 10 trận đấu, và đó đều là những trận cầu trước các đối thủ hàng đầu châu lục. Những thất bại, vì vậy, đến liên tục, như thể đánh quỵ mọi hy vọng của các chiến binh sao vàng. Để giữ cho mình một trái tim nóng trong hoàn cảnh ấy đã là một nỗ lực không thể tưởng tượng. Vậy mà những cầu thủ của HLV Park Hang-seo thậm chí còn làm nhiều hơn thế. Họ vượt qua các thất bại một cách điềm tĩnh, vẫn tìm cách rút ngắn khoảng cách về trình độ, tỷ số trước các đối thủ như Australia, Saudi Arabia hay Nhật Bản. Họ còn phải tự mình khơi dậy, vun đắp cho niềm vui chơi bóng để có thể tham gia AFF Cup 2020 với nhiệm vụ bảo vệ danh hiệu.

Đó là những gì thuộc về bản lĩnh, là đam mê, là khao khát chiến thắng không gì cản nổi. Và đó cũng là câu chuyện sẽ còn được kể mãi trong lịch sử của Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam. Không ai mong chờ những khó khăn như những gì mà cả đất nước Việt Nam đã trải qua suốt gần một năm qua, nhưng chỉ trong những thời điểm ấy, “lửa thử vàng” và “gian nan thử sức”, cùng với người dân cả nước, bóng đá Việt Nam cũng có những khoảnh khắc tự hào của riêng mình.

Với những nhà tổ chức của Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam, nỗ lực duy trì giải thưởng, đồng hành các cầu thủ bóng đá Việt Nam, chia sẻ niềm hạnh phúc và tôn vinh bản lĩnh của họ, cũng là một niềm hạnh phúc giản dị và nhiều tự hào với cuộc hành trình 26 năm hun đúc bản lĩnh của bóng đá Việt.

ĐĂNG LINH
----------------------------------

Những cột mốc

1 - Tính đến nay, Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam chỉ một lần duy nhất không trao thưởng là vào năm 2013, khi bóng đá Việt Nam không để lại nhiều dấu ấn ở đấu trường quốc nội lẫn quốc tế. Lưu Ngọc Mai là nữ cầu thủ duy nhất lọt vào danh sách trao giải cùng các cầu thủ nam, vào năm 2001.

2 - Võ Văn Hạnh (năm 2001) và Dương Hồng Sơn (năm 2008) là 2 thủ môn từng giành được Quả bóng vàng Việt Nam. 

3 - Đoàn Văn Hậu là cầu thủ duy nhất tính đến nay từng giành 3 danh hiệu “Cầu thủ trẻ xuất sắc” vào các năm 2017, 2018 và 2019. 

4 - Phạm Thành Lương và Đoàn Thị Kim Chi là 2 cầu thủ nam và nữ giành được nhiều danh hiệu nhất, cùng 4 lần. Thành Lương thắng giải vào các năm 2009 và 2011 (trong màu áo Hà Nội ACB), 2014 và 2016 (trong màu áo Hà Nội T&T), trong khi Kim Chi đoạt danh hiệu này vào các năm 2004, 2005, 2007 và 2009.

6 - CLB sở hữu số Quả bóng vàng nhiều nhất (6) là đội Hà Nội (trước đây là Hà Nội T&T), trong đó Phạm Thành Lương đoạt giải 2 lần (2014 và 2016 sau khi chuyển từ Hà Nội ACB đến Hà Nội T&T); 4 danh hiệu còn lại thuộc về Dương Hồng Sơn (2008), Nguyễn Quang Hải (2018), Đỗ Hùng Dũng (2019) và Nguyễn Văn Quyết (2020). 6 cũng là số lần mà đội SHB Đà Nẵng sở hữu các ngoại binh giành danh hiệu “Cầu thủ ngoại xuất sắc”: 2 lần thuộc về Almeida (2007, 2008) và 4 lần thuộc về Gaston Merlo (2009, 2011, 2012, 2016).

13 - TPHCM là đội bóng giành được nhiều Quả bóng vàng nữ nhất với 13 lần (Đoàn Thị Kim Chi 4 lần, Huỳnh Như 3 lần, Đặng Thị Kiều Trinh 3 lần; Lưu Ngọc Mai, Nguyễn Thị Kim Hồng, Trần Thị Kim Hồng, mỗi người 1 lần.

19 - Phạm Văn Quyến và Lê Công Vinh là 2 cầu thủ nhận Quả bóng vàng khi mới 19 tuổi (Văn Quyến nhận năm 2003, Công Vinh nhận năm 2004).

30 - Cầu thủ nhiều tuổi nhất từng nhận Quả bóng vàng là Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Minh Phương, Nguyễn Anh Đức và Nguyễn Văn Quyết. Cả 4 cầu thủ này đều được vinh danh khi đã 30 tuổi (Huỳnh Đức năm 2002, Minh Phương năm 2010, Anh Đức năm 2015 và Văn Quyết năm 2020).
PHÚC NGUYỄN tổng hợp

Tin cùng chuyên mục