Trong khi các đồng đội của anh ở tuyển U20 nhanh chóng tỏa sáng chỉ sau đó 1 năm, thì Hoàng Đức phải đến cuối năm 2019 mới được HLV Park Hang-seo sử dụng trong màu áo đội tuyển quốc gia. Nên khi Hoàng Đức nói rằng anh bất ngờ với danh hiệu Quả bóng vàng (QBV) Việt Nam 2021, đó là cảm xúc rất thật của chàng trai quê Hải Dương.
Ở vị trí mà Hoàng Đức đang chơi có đến 5 QBV trong 10 năm qua, nghĩa là tính cạnh tranh rất cao. Cũng chưa từng có một cầu thủ nào đá ở vị trí ít ghi bàn lại đoạt danh hiệu Quả bóng vàng khi chỉ vừa bước sang tuổi 24 như Hoàng Đức. Và, cũng chưa có ai chỉ khoác áo V-League 2 mùa giải mà đã trở thành cầu thủ xuất sắc nhất Việt Nam, như cầu thủ của CLB Viettel này.
Nhưng điều thú vị còn nằm ở chỗ, chiến thắng của Hoàng Đức đồng nghĩa với việc 7 kỳ trao giải gần nhất đều là những gương mặt khác nhau. Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử 27 năm giải thưởng, và đó là minh chứng rõ nhất cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam suốt một thập niên qua. Một nền bóng đá càng giàu tính cạnh tranh thì sẽ có tương lai xán lạn. Hoàng Đức cũng đã kết thúc chuỗi 3 danh hiệu liên tiếp đến từ các thành viên của CLB Hà Nội.
Cuộc hành trình đến với vinh quang của Hoàng Đức gần giống như Quả bóng vàng Việt Nam 2019 Đỗ Hùng Dũng. Họ đều không có điểm khởi đầu thuận lợi như các đồng nghiệp, chơi ở vị trí mà sự đóng góp của họ chủ yếu làm nền cho những chân sút tỏa sáng, nhưng ngay ở lần đầu tiên được lọt vào nhóm các đề cử cao nhất, thì cả hai đều chiến thắng một cách xứng đáng. Cái cách họ đón nhận danh hiệu cũng bình thản, dung dị và những ngày sắp đến, có lẽ cũng không khác trước là bao. Đó là phẩm chất thường thấy ở những cầu thủ mà tài năng được bồi đắp bằng sự lao động miệt mài, kiên trì gìn giữ đam mê chơi bóng và tinh thần biết hy sinh vì tập thể.
Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam 2021 khởi đầu bằng hạnh phúc tưng bừng, niềm vui rộn rã đến từ các kỳ tích World Cup, nhưng khi những ánh đèn flash của đêm đăng quang thôi lóe sáng, những gì ở lại thật êm đềm, ngọt ngào.
Đấy là niềm hạnh phúc của những người Thể Công, 21 năm rồi mới có một cầu thủ đến từ đội bóng huyền thoại này được bước lên bục cao nhất kể từ Nguyễn Hồng Sơn năm 2000, mà còn là một sản phẩm từ chính lò đào tạo danh tiếng của mình. Đấy là những chia sẻ rất cảm động của quyền chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn, với thâm niên gần 20 năm làm lãnh đạo tại tổ chức này. Chính ông Tuấn cũng là người đã xây dựng chiến lược đưa hàng loạt cô gái trẻ từ các địa phương lên Hà Nội đào tạo tập trung, để bây giờ hơn 10 người trong số đó có mặt ở đội tuyển vừa giành vé dự World Cup.
Hay như lời chia sẻ rất thật của “ông bầu futsal” Trần Anh Tú khi cho biết phải “xin” ban tổ chức giải thưởng được làm người công bố danh hiệu Quả bóng vàng nữ. Hơn 6 năm qua, Công ty Thái Sơn Nam của ông Tú đã đứng ra gánh phần tài chính nhằm duy trì các giải bóng đá nữ quốc gia với mong muốn sẽ có thành công tương tự như futsal.
Những việc họ làm, đôi khi không ai biết và cũng chẳng nhiều sự chia sẻ. Cũng như sự hy sinh của gia đình, hay các ông thầy bóng đá trẻ ở điểm khởi đầu sự nghiệp các cầu thủ, cứ thế âm thầm nhiều năm qua cũng chỉ để đổi lấy một thời khắc ngắn ngủi để cùng chia vui với những người hùng bóng đá Việt Nam.