Do vậy, khi báo Sài Gòn Giải Phóng - đơn vị tổ chức Giải thưởng Quả bóng Vàng (QBV) Việt Nam mở cuộc bầu chọn cho các danh hiệu của năm 2020 thì những người cầm lá phiếu bầu chọn sẽ dành sự tập trung vào các đội bóng thi đấu tốt, có thành tích tại V-League và Cúp Quốc gia.
V-League 2020, Viettel là đội vô địch. Tôi nghĩ điều này cũng không hẳn là bất ngờ. Bởi đội bóng này được đầu tư tốt, có nhiều cầu thủ giỏi, nhiều cầu thủ khoác áo đội tuyển Quốc gia, U22 và ngoại binh chất lượng. Cộng hưởng sự may mắn trong quá trình thi đấu thì việc lên ngôi vô địch của Viettel là điều xứng đáng.
Còn hiện tượng thú vị nhất của bóng đá Việt Nam năm 2020 là CLB Sài Gòn, đội bóng giành vị trí thứ ba tại V-League. Đội bóng này ngay những bước đi ban đầu đã thuận lợi và chắc chắn. Họ không nhận nhiều sự chú ý từ các đối thủ nên họ cứ tịnh tiến một cách từ từ. Một đội bóng không có ngôi sao thế nhưng, đó là một tập thể cực kỳ đoàn kết, gắn bó với nhau. Nhưng chúng ta còn phải ghi nhận thêm sự thi đấu thăng hoa của hai ngoại binh Geovane và Pedro trong chiến tích của đội bóng này. Đó là yếu tố quyết định mang đến thành công của CLB Sài Gòn.
Ảnh hưởng về những thay đổi của bóng đá Việt Nam tác động không nhỏ đến cuộc đua giành danh hiệu QBV Việt Nam 2020. Cá nhân cầu thủ muốn đoạt được danh hiệu bắt buộc phải có thành tích ở V-League và Cúp Quốc gia, hai giải đấu trọng tâm trong năm nay. Đó cũng là cơ sở để hội đồng bầu chọn ra những cầu thủ xuất sắc nhất đoạt thứ hạng cao của đợt bầu chọn lần này. Có nhiều cầu thủ xuất sắc để bầu chọn nhưng chủ yếu sẽ tập trung vào hai đội Hà Nội và Viettel như Trần Nguyên Mạnh, Quế Ngọc Hải, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Trọng Hoàng, Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Quang Hải, Đỗ Hùng Dũng...
Ở giải thưởng Cầu thủ trẻ nam xuất sắc nhất 2020, tôi thấy Bùi Hoàng Việt Anh đang có nhiều lợi thế. Năm nay, cậu ấy có nhiều bước tiến rõ nét so với các đối thủ cạnh tranh. Nhưng cũng không nên vội gạch tên tiền vệ Nguyễn Hai Long (Than Quảng Ninh).
Tôi có nhiều kỷ niệm với giải thưởng QBV Việt Nam. Nhưng đáng nhớ nhất vẫn là Quả bóng Vàng 1996 Võ Hoàng Bửu. Không biết diễn tả thế nào về sự thú vị của người chiến thắng. Năm 1996, đội tuyển Việt Nam xếp thứ 3 tại Tiger Cup (tức AFF Cup hiện nay) Singapore. Khi đó, các tuyển thủ thi đấu bình thường thế nhưng, tiền vệ phòng ngự Võ Hoàng Bửu của Cảng Sài Gòn để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Cậu ấy là người ghi nhiều bàn thắng nhất cho đội tuyển Việt Nam tại Giải. Tổng cộng là 3 bàn thắng và tất cả đều đến trên chấm phạt đền. Đó cũng là cơ sở đưa Võ Hoàng Bửu đến với danh hiệu QBV Việt Nam năm 1996.
Tôi nghĩ, ai cũng hiểu rõ vinh dự của cầu thủ đoạt QBV Việt Nam thế nào. Cái đích cuối cùng của một cầu thủ là được vào đội tuyển Quốc gia. Khi đã khoác áo đội tuyển Quốc và được thêm danh hiệu QBV Việt Nam, tức là Cầu thủ xuất sắc nhất năm, đó là điều quá tuyệt vời. Tôi tiếc vì giải thưởng này không thể san sẻ mà chỉ có một. Vậy nên, mỗi cuộc bầu chọn không bao giờ mang đến cho mọi người sự trọn vẹn. Ví dụ anh A được mà sao anh B lại không?
Có nhiều đơn vị truyền thông đã và đang song hành với bóng đá Việt Nam. Nhưng đến lúc này, một phần 4 thế kỷ đã đi qua thì QBV Việt Nam của báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức có ý nghĩa rất lớn và tác động đến sự hưng phấn thi đấu đối với các cầu thủ. Đây là giải thưởng danh giá, gần như được người hâm mộ biết đến, mong chờ và đón nhận thông tin về người bầu chọn xuất sắc nhất một mùa giải.
Tôi có một lời nhắn đến những người được tiến cử, vào danh sách rút gọn nhưng không thể vào tốp 3 QBV Việt Nam thế này: Các em, chưa làm được lần này thì sẽ làm được lần tới. Hãy tiếp tục cố gắng thể hiện để cho mọi người thấy bản thân mình xứng đáng ở những lần tiếp theo!