“Đất lành chim đậu”

CLB Công an Hà Nội (CAHN) vừa chiêu mộ thành công thủ môn Filip Nguyễn, một trong những cầu thủ Việt kiều có danh tiếng trên trường quốc tế.
Thủ môn Việt kiều Filip Nguyễn sẽ thi đấu cho CLB Công an Hà Nội trong thời gian tới. Ảnh: THANH QUỐC
Thủ môn Việt kiều Filip Nguyễn sẽ thi đấu cho CLB Công an Hà Nội trong thời gian tới. Ảnh: THANH QUỐC

Thủ môn này có kinh nghiệm thi đấu ở Europa League, Conference League tại châu Âu và từng có khao khát được khoác áo đội tuyển Việt Nam nhưng chưa thành do yếu tố quốc tịch. Trước Filip Nguyễn, CAHN cũng đã có một thủ thành Việt kiều khác là Patrick Lê Giang. Mới đây, tiền vệ Nguyễn Quang Hải sau một năm thi đấu ở Pháp cũng đã về chơi bóng cho CAHN.

Dòng chảy tài năng bóng đá đang “ngược” về Việt Nam. Gần như tất cả cầu thủ gốc Việt có tiếng tăm đều đã về quê cha, đất mẹ chơi bóng. Có người thành công, có người chỉ ở trình độ trung bình, nhưng tựu trung họ đều hài lòng với quyết định “trở về” của mình. Không chỉ có các cầu thủ gốc Việt, V-League hiện nay có rất nhiều ngoại binh đã thi đấu và sinh sống lâu dài ở Việt Nam. Đa số các ngoại binh này đều đến Đông Nam Á thông qua các giải đấu tại Thái Lan, Malaysia nhưng sau khi đến Việt Nam, họ không đi đâu nữa. Có thể kể tên Đỗ Merlo, Hoàng Vũ Samson, Rimario, Hendrio… đều chơi bóng gần cả thập niên.

Ngoài yếu tố văn hóa, xã hội có độ mở lớn, thân thiện và dễ sống, cũng cần thấy rằng V-League là giải đấu không thua kém sự hấp dẫn đối với HLV, cầu thủ. Tính cạnh tranh cao, thu nhập tốt, môi trường thi đấu ngày càng chuyên nghiệp chính là các yếu tố thu hút nhân tài một cách dài hạn. “Làn sóng” Việt kiều về quê hương chơi bóng càng chứng minh điều đó. Hay nói cách khác, V-League đang là “vùng đất lành chim đậu”.

Điều đó rất đáng suy nghĩ. Việc chúng ta tìm cách “xuất ngoại” cầu thủ đương nhiên là điều phải làm, thậm chí cần bài bản và bền bỉ vì đây là xu hướng không thể cưỡng lại. Nhưng rõ ràng tỷ lệ thành công cũng như số lượng cầu thủ xuất ngoại khó phát triển nhanh như mong muốn do phụ thuộc nhiều yếu tố bên ngoài.

Ngược lại, chuyện nâng cấp V-League, tăng tính chuyên nghiệp cho giải đấu này lại nằm trong tầm tay, chỉ cần có chiến lược phù hợp và hiệu quả. Ví dụ như ở Thái Lan, đa số các ngoại binh đều đến từ Brazil cũng là một tính toán của bóng đá nước này. Dù số cầu thủ nước ngoài ở Thái Lan được mở rộng tối đa, nhưng với “nguồn nhập khẩu” chủ yếu từ quốc gia Nam Mỹ này nên các CLB tại Thai-League không đánh mất bản sắc chơi bóng nhờ có sự tương đồng về trường phái thi đấu. Một giải đấu có ngoại binh chất lượng và phù hợp về phong cách thì cũng sẽ giúp cho cầu thủ nội phát triển.

Đó cũng là một hình thức “du học tại chỗ”. Những bản hợp đồng “bom tấn” của CAHN chứng minh tiềm lực của các CLB tại V-League không giảm, tham vọng vô địch V-League vẫn là điều quyến rũ với các doanh nghiệp yêu bóng đá. Hơn 10 năm trước, V-League từng là giải đấu đứng đầu Đông Nam Á, lọt vào tốp 50 giải vô địch quốc gia hàng đầu thế giới. Làm sao để V-League trở thành một vùng đất “màu mỡ” thu hút tài năng cũng cần được các nhà quản lý tính đến như cách nâng tầm đội tuyển quốc gia.

Tin cùng chuyên mục