Chuyên gia tâm lý, chuyên gia tinh thần giúp sức cho tuyển thủ Olympic Việt Nam

Giải bài toán có một tinh thần tốt nhất, một tâm lý sẵn sàng thi đấu là điều cần thiết và lần đầu tiên thể thao Việt Nam sẽ thực hiện điều này từ các chuyên gia nước ngoài đối với nhiều tuyển thủ trọng điểm Olympic.

Các gương mặt trọng điểm của thể thao Việt Nam luôn cần những HLV tinh thần để giúp họ có một tâm lý tốt nhất trong mỗi cuộc đấu. Ảnh: MINH MINH
Các gương mặt trọng điểm của thể thao Việt Nam luôn cần những HLV tinh thần để giúp họ có một tâm lý tốt nhất trong mỗi cuộc đấu. Ảnh: MINH MINH

Cục trưởng Cục TDTT – ông Đặng Hà Việt đã cho biết “việc cần có HLV tinh thần, chuyên gia tinh thần trong thi đấu luôn cần thiết và chúng tôi đã làm việc với chuyên gia tới từ Bỉ. Trước khi các tuyển thủ trọng điểm chuẩn bị tham dự Olympic ở Pháp, thể thao Việt Nam sẽ phối hợp cùng chuyên gia thực hiện một số chương trình nâng cao tinh thần sẵn sàng thi đấu. Đây là điều cần thiết và cũng lần đầu tiên chúng ta sẽ thực hiện”.

Nâng đỡ VĐV về mặt tinh thần hay phát triển về mặt tư duy là một quá trình và điều này cần triển khai từ rất sớm. HLV tinh thần có vai trò quan trọng, thậm chí là người đồng hành, sát cánh để hỗ trợ trực tiếp HLV trưởng từng đội tuyển thể thao quốc gia. Dự kiến một số HLV của Việt Nam sẽ được chuyên gia của Bỉ tập huấn về công tác chuyên môn của một HLV tinh thần. Điểm mấu chốt là chuyên gia tâm lý, chuyên gia tinh thần sẽ giúp bản thân VĐV chế ngự được cảm xúc, quản lý được cảm xúc của mình để từ đó đạt được sự bình tĩnh tốt nhất trong đấu trường quan trọng như Olympic.

Thể thao Việt Nam vẫn đang trong hành trình chuẩn bị chuyên môn để hướng tới thi đấu các giải vòng loại Olympic của môn judo, vật, boxing (quyền Anh), điền kinh, đấu kiếm, bóng bàn, cử tạ, đua thuyền, bơi, cầu lông, bắn súng, TDDC... Từng đội tuyển đều có gương mặt trọng điểm. Nhưng rõ ràng, làm sao để từng người họ bỏ qua được áp lực mà trong đó phản ánh trực tiếp là nỗi sợ đều cần có chuyên gia tâm lý đồng hành. Cục trưởng Đặng Hà Việt cũng cho biết, các chuyên gia của Bỉ sẽ sớm làm việc cùng thể thao Việt Nam để chúng ta có được điều kiện tốt nhất cho các tuyển thủ.

Chương trình dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 5 tới đây tại Việt Nam. Chuyên gia của Bỉ sẽ tập huấn cho các HLV, VĐV của thể thao Việt Nam.

Tại ASIAD 19, xạ thủ Trịnh Thu Vinh là một trong những người rất được chú ý. Cô đã lọt vào chung kết bài bắn 10m súng ngắn hơi và đủ cơ hội tranh tấm huy chương cho bản thân. Tiếc rằng khép lại bài bắn, Thu Vinh chỉ đạt hạng 4 chung cuộc. Chia sẻ khi đó, ban huấn luyện không muốn phân tích kỹ nhưng mọi người hiểu rằng trong lần đầu tham dự ASIAD và trước áp lực không nhỏ thì Thu Vinh vẫn có một chút ảnh hưởng của tâm lý. Với đội tuyển cử tạ Việt Nam, vấn đề làm sao giúp lực sỹ đạt được một tâm lý mạnh mẽ nhất, bỏ qua những sự sợ hãi là điều mà các ban huấn luyện đang thực hiện rất kỹ lưỡng. Chúng ta vẫn đang chờ đợi lực sỹ cử tạ Việt Nam giành được suất chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024 và đó phải là từ thực lực chứ không chờ theo sự may rủi. Đại diện bộ môn cử tạ (Cục TDTT) cho biết khi có chuyên gia Bỉ tham gia ở công tác HLV tinh thần thì chắc chắn các tuyển thủ sẽ được trao đổi rất nhiều kinh nghiệm quý giá.

Thể thao Việt Nam đã giành được 5 suất chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024. Lúc này, nhiều môn tiếp tục thi đấu giải vòng loại để tranh thêm vé Olympic. Với nhà quản lý, việc thực hiện các chương trình chuyên biệt dành cho những gương mặt đã có suất Olympic Paris (Pháp) 2024 cũng phải song hành bởi muốn hướng tới kết quả huy chương thì sự chuẩn bị phải kỹ lưỡng từ tâm lý đến chuyên môn.

IMG_6676.jpg
Cử tạ Việt Nam đang có những liệu pháp để làm sao các lực sỹ đạt một tinh thần tốt nhất khi ra thi đấu. Ảnh: MINH MINH

Ngày 27-3, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng đã gặp mặt, động viên những nhà quản lý thế thao tại Cục TDTT nhân kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống thể thao Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đề nghị Cục TDTT chấn chỉnh đội ngũ, khơi dậy khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là đối với các Trung tâm HLTTQG trong công tác đào tạo, huấn luyện; chủ động, làm tốt hơn nữa công tác truyền thông của ngành TDTT.

Tin cùng chuyên mục