Tại 2 kỳ Olympic gần nhất, thể thao Đông Nam Á đều giành được HCV. Ở Rio de Janeiro 2016, thể thao Việt Nam (1 HCV, bắn súng), Thái Lan (2 HCV, cử tạ), Singapore (1 HCV, bơi), Indonesia (1 HCV, cầu lông) là những quốc gia giành được thành tích cao. Đến Tokyo 2020, còn lại Thái Lan (1 HCV, taekwondo), Indonesia (1 HCV, cầu lông), Philippines (1 HCV, cử tạ).
Đối với Singapore, điều kiện tiên quyết là phát triển các môn thể thao Olympic, đưa nhóm môn này trở thành quen thuộc đối với người dân. Chính vì vậy, Ủy ban Olympic quốc gia Singapore đã xây dựng nhiều chương trình hành động để phát triển thể thao. Trong đó, Quỹ Olympic Singapore ra đời từ năm 2010 mang mục tiêu chiến lược xuyên suốt là tạo điều kiện cho các tài năng thể thao trẻ của Singapore đạt được mục tiêu thể thao của mình; hỗ trợ các VĐV có thành tích cao đại diện cho Singapore trên đấu trường thế giới; thúc đẩy văn hóa thể thao lành mạnh ở Singapore thông qua các hoạt động và chương trình giáo dục. Joseph Schooling (HCV Olympic 2016, bơi lội) từng được quỹ này tài trợ trước khi thành danh. Shanti Pereira (HCV Asiad 19, điền kinh) cũng được quỹ này đầu tư.
Trong khi đó, thể thao Thái Lan xây dựng chiến lược Olympic bằng sự đầu tư dài hơi đào tạo huấn luyện tài năng thể thao từ tuyến trẻ. Các giải đấu ở độ tuổi từ 12 tới 14 trong nhiều môn thể thao Olympic được tổ chức đều đặn nhằm giúp người làm thể thao tìm ra gương mặt triển vọng để đầu tư. Điển hình thành công của thể thao Thái Lan là ở môn cầu lông khi xây dựng chiến lược đầu tư bài bản với sự kết hợp mạnh mẽ của Liên đoàn Cầu lông Thái Lan. Mục tiêu là sẽ có tay vợt giành được huy chương Olympic.
Hiện tại, cầu lông Thái Lan luôn có tay vợt đứng trong tốp 10 thế giới và đã 3 lần có VĐV giành ngôi vô địch thế giới (gần nhất, tay vợt Kunlavut Vitidsarn vô địch đơn nam giải thế giới 2023, hiện đứng hạng 8 trên bảng xếp hạng BWF). Thể thao Thái Lan tự hào nhất là võ sĩ taekwondo số 1 thế giới hạng 49kg nữ Panipak Wongpattanakit (HCV Olympic năm 2020), khi đã được tuyển chọn tài năng cô được thể thao Thái Lan tập trung đầu tư xuyên suốt từ lúc 14 tuổi.
Thể thao Việt Nam từng xây dựng và ban hành Chiến lược phát triển TDTT tới năm 2020 tầm nhìn tới năm 2030 trong đó đề ra các mục tiêu đầu tư, mục tiêu thành tích đối với đấu trường Olympic. Tại Olympic 2016, thể thao Việt Nam giành được 1 HCV và 1 HCB. Tuy nhiên, đến Olympic 2020, thể thao Việt Nam không giành được huy chương nào. Ngành TDTT đang chờ Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 sớm được phê duyệt, ban hành. Bởi các nội dung đối với đầu tư phát triển thể thao thành tích cao hướng tới đấu trường Asiad và Olympic được nêu rõ trong dự thảo của chiến lược nói trên.