Cánh chim không mỏi

So với nhiều lứa VĐV bóng bàn trước đây, Mai Hoàng Mỹ Trang là một trong những người nổi bật. 10 năm qua, nữ tay vợt của TPHCM luôn xây chắc ngôi vị số 1 của bản thân và ở Trang có nhiều điều thi vị mà cô chia sẻ...
 Tay vợt Mai Hoàng Mỹ Trang chỉ tiếc chưa từng được dự Olympic Ảnh: T.L
Tay vợt Mai Hoàng Mỹ Trang chỉ tiếc chưa từng được dự Olympic Ảnh: T.L
Tuổi 18 đáng nhớ cuộc đời

Mai Hoàng Mỹ Trang cùng đồng đội đang tập luyện chuẩn bị đấu giải VĐQG 2017 vào tuần tới. Hỏi chuyện cùng Mỹ Trang, cô khá thoải mái chia sẻ nhiều. Điều Mai Hoàng Mỹ Trang chia sẻ không tập trung ở việc đếm đủ bao nhiêu lần vô địch hay số huy chương đã có mà cô kể về những khoảnh khắc đáng nhớ cuộc đời. “Tôi may mắn sinh trưởng trong gia đình có truyền thống về thể thao bóng bàn. Cái nếp tập luyện từ nhỏ đã được người trong nhà rèn cho mình.

Vì thế, khi nhận thức được thế nào là trái banh với mành lưới và bàn đấu thì tôi đã quen cùng cây vợt bóng bàn”, Mỹ Trang thổ lộ. “Tôi không nhớ rõ năm chính xác nhưng khi bắt đầu ra chơi bóng bàn chuyên nghiệp là khoảng lúc ở tuổi 15, 16”, Mỹ Trang nói thêm. Dấu ấn khiến Mai Hoàng Mỹ Trang nhớ nhất là phút đăng quang lần đầu giành HCV vô địch đơn nữ quốc gia. Trước chiến thắng đó, tay vợt của TPHCM đã không dám mơ thành công vì đó là năm giải thuộc chương trình Đại hội TDTT toàn quốc 2006 (tổ chức tại TPHCM).
Tại Đại hội, VĐV nổi danh như Mai Xuân Hằng, Ngô Thu Thủy, Lương Thị Tám, Trần Lê Phương Linh, Thái Thanh Hương, Nguyễn Khắc Nhị Như, Đặng Thị Minh Hải đều mạnh mẽ là ứng viên ngôi số 1. Một tay vợt trẻ mới 18 tuổi như Mỹ Trang chưa phải tên tuổi được nhắc nhiều. “Tôi đã vào chung kết và gặp VĐV nổi tiếng Ngô Thu Thủy (Hà Nội). Mất 7 ván đấu, tôi mới vượt qua được tay vợt mạnh Ngô Thu Thủy để vô địch nội dung đơn nữ bằng chiến thắng 4-3”, Mỹ Trang nhớ lại. Khoảnh khắc đó, cô gái trẻ Mỹ Trang của bóng bàn TPHCM vỡ òa cảm xúc nâng cúp vô địch và tấm HCV cá nhân toàn quốc đầu tiên sự nghiệp. “Với tôi, ngoài chiếc HCV đơn nữ tại Đại hội TDTT toàn quốc 2006, còn ấn tượng một lần nữa là ở Giải vô địch Đông Nam Á 2010 tại Philippines”, tay vợt người TPHCM cho biết. Năm đó, Mỹ Trang giành HCV đơn nữ, HCV đồng đội nữ nên cột mốc không thể quên bởi cũng lần đầu tiên cô đứng trên bục cao nhất ở cấp độ Đông Nam Á. 
Cánh chim không mỏi ảnh 1 Mỹ Trang (thứ 2 từ phải qua) để vuột tấm HCV SEA Games 2015 khá đáng tiếc.         Ảnh: Nhật Anh

 Trang kể, chiếc HCV đồng đội nữ của đội tuyển Việt Nam tại Giải bóng bàn vô địch Đông Nam Á 2016 (tổ chức ở Indonesia) cũng là mốc đáng nhớ. Tuy vậy, sự thăng hoa cảm xúc không được như lần đầu đạt được kết quả trên. “Chúng tôi đã không nghĩ mình vào tới chung kết rồi vô địch tại Indonesia năm ngoái. Chiến thắng có may mắn nhưng là sự thành công ở tập luyện chuyên môn của mỗi người”, Mỹ Trang chia sẻ.
Tôi chưa hoàn hảo
Bất khả chiến bại ở các giải trong nước một thập kỷ qua, Mai Hoàng Mỹ Trang vẫn nhận mình phải học thêm nữa. Thể lực, nâng cao hơn phản xạ, yếu tố tâm lý... là thứ mà Trang biết là điểm yếu phải điều chỉnh bởi ra đấu giải nước ngoài thì luôn gặp khó. Hỏi cô liệu sau nghiệp VĐV sẽ trở thành HLV hay chuyển sang sự nghiệp khác, Mai Hoàng Mỹ Trang cười: “Hiện tại, tôi vẫn tập trung thi đấu hết sức có thể. Tương lai chưa nói trước được. Quãng thời gian vừa qua tôi cũng có đi dạy một số em nhỏ. Mình còn thi đấu thành tích cao được thì vẫn nỗ lực”. Ở tuổi gần 30, Trang đã là đàn chị lớn nhất của VĐV ở đội tuyển. Năm 2005, cô gái trẻ 17 tuổi Mai Hoàng Mỹ Trang chập chững được lên ĐTQG và dự SEA Games đầu tiên trong sự nghiệp. Ngần ấy năm ở đội tuyển và dự ngần ấy SEA Games tới nay, Mỹ Trang vẫn đau đáu tấm HCV đơn nữ. Biết là khó vì đối thủ của Singapore được nhập tịch hay bóng bàn Thái Lan, Malaysia, Indonesia đang mạnh mẽ hơn nhưng Mai Hoàng Mỹ Trang vẫn quyết tâm có kết quả tốt tại SEA Games 29-2017. 

Tin cùng chuyên mục