Bóng đá TPHCM trong tâm bão: Tàu đã sắp chìm?

Ngày 2 đội bóng của TPHCM cùng lúc xuống 2 hạng, người ta còn nhớ ông Chủ tịch HFF Lê Hùng Dũng đăng đàn tuyên bố: “Tôi đã nghe nhiều tiếng nói đòi HFF giải tán, Chủ tịch HFF nên từ chức... Tuy nhiên, tôi cũng có nói với anh em trong HFF “thành bại luận anh hùng”. Thế nên, nếu tìm được một Chủ tịch đủ tiêu chí có Tâm, có Tầm, có Tài và có Đức thì tôi sẵn sàng bàn giao trách nhiệm ngay mà không băn khoăn, đắn đo gì...”. Giờ hình như mọi chuyện đã khác.
Bóng đá TPHCM trong tâm bão: Tàu đã sắp chìm?

Ngày 2 đội bóng của TPHCM cùng lúc xuống 2 hạng, người ta còn nhớ ông Chủ tịch HFF Lê Hùng Dũng đăng đàn tuyên bố: “Tôi đã nghe nhiều tiếng nói đòi HFF giải tán, Chủ tịch HFF nên từ chức... Tuy nhiên, tôi cũng có nói với anh em trong HFF “thành bại luận anh hùng”. Thế nên, nếu tìm được một Chủ tịch đủ tiêu chí có Tâm, có Tầm, có Tài và có Đức thì tôi sẵn sàng bàn giao trách nhiệm ngay mà không băn khoăn, đắn đo gì...”. Giờ hình như mọi chuyện đã khác.

Sẽ từ chức...?

“Nhân dịp” bóng đá TPHCM có hai đội cùng đứng ở vị trí cầm đèn đỏ, dù chưa tới giữa mùa, nghĩa là cửa xuống hạng còn rõ hơn cả mùa bóng trước, người ta thấy ông Lê Hùng Dũng tuyên bố: “Năm nay chỉ cần 1 đội xuống hạng nữa là tôi sẽ từ chức”. Nghĩa là trong vòng 3 năm, dưới tay ông, nếu tổng cộng có đến 3 đội lần lượt “ra đi” thì ông sẽ không ngồi ở ghế Chủ tịch HFF thêm hơn 1 năm còn lại trong nhiệm kỳ của mình. Nghĩa là, giờ thì chẳng cần người “thập toàn thập mỹ” vừa có tài, có tâm, có tầm lại có đức xuất hiện thì ông cũng rời khỏi chiếc ghế Chủ tịch HFF.

Có vẻ như suốt thời gian tại vị từ năm 2008 đến nay, ông Chủ tịch HFF cùng bộ sậu của mình đã không thể làm gì được để bóng đá TPHCM khá hơn. Nói điều đó có vẻ hơi khó nghe, nhưng là sự thật. Ngay chính việc mua đội QK4 vừa “hút chết” ở V-League, với ông Dũng và có thể vài người nữa là thành công, nhưng với người hâm mộ bóng đá Sài Gòn là thất bại. Thực tế, đội bóng ấy đã tiêu rất nhiều tiền của một doanh nghiệp TPHCM, nhưng vẫn đứng cuối bảng ở V-League đã chứng minh số đông người hâm mộ bóng đá Sài Gòn đúng. Người ta tự hỏi, nếu số tiền ấy dồn cho CLB TPHCM thì mọi việc phải chăng đã không tồi tệ đến độ có hẳn một “đôi bạn cùng yếu” (!?).

Nỗi thất vọng của các cầu thủ CLB TPHCM sau trận thua Than Quảng Ninh ở vòng 9 vừa qua. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nỗi thất vọng của các cầu thủ CLB TPHCM sau trận thua Than Quảng Ninh ở vòng 9 vừa qua. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Yêu thương không thể cưỡng cầu. Người ta không thể yêu thương đội bóng không quen thuộc như mong muốn của những người mua đội bóng ấy về, và người ta càng chẳng thể quý mến những người đã làm bóng đá TPHCM liên tục đi xuống.

Ngay ở thời điểm tối tăm nhất, người ta đã thấy một ông Lê Hùng Dũng mạnh mẽ, dám đương đầu với những thất bại dưới “triều đại” của mình, vậy thì lý do gì để giờ đây ông nói đến chuyện từ chức?

Cái ghế không quan trọng

Nói thẳng, giờ thì thất bại của HFF suốt thời gian qua đã quá rõ, và ngay khi người ta yêu cầu ông Dũng cùng các đồng sự của mình từ chức, ông đã từ chối. Mục đích của ông ở thời điểm đó khá rõ ràng: “30 chưa phải là tết”. Ông muốn gầy dựng lại, nhưng thất bại đang có vẻ chuẩn bị nối tiếp thất bại khi mà cả 2 đội bóng của TPHCM vẫn tiếp tục rơi vào tình thế bế tắc: Đội gắn chặt với nhà băng có tiền thì quá yếu, khiến chẳng cầu thủ nào muốn về. Trong khi đội bóng còn lại là CLB TPHCM tiếp tục trong vòng luẩn quẩn để tìm câu trả lời “tồn tại hay không tồn tại?”, vì cuộc cạnh tranh giữa hai đồng sở hữu.

Bóng đá TPHCM trong tâm bão: Tàu đã sắp chìm? ảnh 2

Chủ tịch HFF Lê Hùng Dũng (bên phải) trong lễ ra mắt và công nhận đội bóng Navibank Sài Gòn là một thành viên chính thức của HFF. Ảnh: Hoàng Vy

Rõ ràng những rối ren dưới thời HFF nhiệm kỳ 4 chẳng những không được tháo gỡ mà còn thêm mối thắt. Thế nên, ở thời điểm này, ông Dũng không còn quyền từ chức nữa, bởi vốn nổi tiếng là người mưu lược có thừa, ông phải chịu trách nhiệm về những “công trình” của mình. Ở thời điểm này, người ta cần nhiệt huyết của ông như đã từng có, lúc 2 đội bóng của TPHCM đi một lèo xuống 2 hạng hồi năm ngoái. Và còn một điều cần phải nói nữa, ở thời điểm này, bóng đá TPHCM đã xuống thấp quá mặt bằng chung với các tỉnh thành lân cận, thế nên, giờ nếu ông Dũng từ bỏ thì người đến sau ông vô tình sẽ là người “lãnh hậu quả” khôn lường!

Từ chức ở một tổ chức xã hội không khó, nhất là khi thời gian hoạt động của nhiệm kỳ đã qua hơn một nửa, ngân sách sử dụng cũng đã kha khá hao tốn. Cái khó bây giờ không phải là chuyện giữ cái ghế đã hoen ố suốt thời gian qua, mà là làm cho chiếc ghế ấy trở nên có giá trị với người đến sau. Người ta chờ ở ông Lê Hùng Dũng điều ấy, và mọi chuyện có lẽ sẽ có câu trả lời sớm thôi. Bởi những lời hứa ngày nào về một cuộc cách mạng đem lại vị thế mới cho bóng đá Sài Gòn, những lời hứa hùng hồn ngày ông Dũng nhậm chức còn mới tinh, và lý nào nó lại là hứa hão?!

Hình như, một lần nữa, bóng đá Sài Gòn đang đứng trước bão, bởi trái với thông lệ, thuyền trưởng đang có ý định bỏ thuyền lúc sắp đắm chăng?

TẤT ĐẠT


 Rối càng thêm rối

Để “cải tổ” CLB TPHCM, người ta đã quyết định thay HLV Võ Hoàng Bửu bằng HLV Nguyễn Phúc Nguyên Chương. Chẳng hiểu sao cứ mỗi lần thay người thì đội bóng TPHCM lại có cách chọn lựa lạ đời là tìm cho bằng được người ít tên tuổi, ít kinh nghiệm hơn một chút.

Đầu tiên là HLV Đặng Trần Chỉnh bàn giao cho ông Lư Đình Tuấn. Sau đó đội bóng được chuyền xuống cho HLV Võ Hoàng Bửu, vốn bị đánh giá là ít kinh nghiệm trận mạc hơn hẳn hai người đã kể trên. Và rồi, mới đây người ta quyết định chọn HLV Nguyễn Phúc Nguyên Chương cho con tàu đang gặp bão: CLB TPHCM. Chưa từng nắm bất kỳ CLB nào, kinh nghiệm trận mạc ở những giải đấu lớn của Nguyên Chương là con số 0, vậy mà người ta vẫn tin đây là biện pháp tốt mới lạ kỳ!

Có vẻ như thực tế về một CLB TPHCM không đủ lực lượng cả nội lẫn ngoại (dù chỉ là để chơi ở giải hạng Nhất) đã bị bỏ qua, và khi cần làm điều gì đó để đội bóng được coi là mới hơn, những người quản lý ở CLB TPHCM làm đúng cái kiểu các quán cà phê vẫn thường làm. Khi các quán thay bảng hiệu mới, dù cà phê vẫn dở như xưa, thì ở CLB người ta thay HLV, dù đội bóng vẫn chẳng có thêm sự bổ sung lực lượng cầu thủ nào đáng kể.

Sòng phẳng mà nói, lần này có vẻ như HLV Võ Hoàng Bửu là người cảm thấy thanh thản nhất, bởi suy cho cùng, anh có ở lại trên cương vị HLV trưởng thì chắc rằng “hồ” của anh cũng chẳng tốt hơn, bởi có “bột” đâu mà gột. Một tương lai u ám đang đè nặng lên CLB TPHCM, và nó cũng là hình ảnh “tiêu biểu” cho viễn cảnh của bóng đá TPHCM.

T.LONG

Tin cùng chuyên mục