Thời điểm Giải thưởng QBV ra đời, bóng đá Việt Nam chỉ mới có một thành tích đầu tiên, đó là chiếc HCB SEA Games 1995. Ở hoàn cảnh lúc đó, rất khó nói đến việc bóng đá nước nhà sẽ có một tương lai tươi sáng, vì thực tế là mãi đến năm 1991, chúng ta mới hội nhập với bóng đá khu vực qua việc dự SEA Games 1991. Trong năm đó còn xảy ra scandal (bê bối) “bỏ đội tuyển” của một nhóm cầu thủ. Giải vô địch quốc gia thì năm nào cũng lùm xùm tiêu cực, thể thức thi đấu lộn xộn, thậm chí năm 1995 còn xảy ra vụ 5 đội bỏ đá vòng chung kết ngược, còn năm 1999 thì đá mà không có lên - xuống hạng cũng vì… tiêu cực.
QBV Việt Nam ra đời và tồn tại một cách đáng ngạc nhiên suốt thời gian đầy biến động của bóng đá Việt Nam. Đến năm 2001, khi FIFA chỉ vừa mới nghĩ ra việc tổ chức giải thưởng dành cho cầu thủ nữ thì tại Việt Nam, đã có một nữ cầu thủ được tôn vinh (Lưu Ngọc Mai - năm 2001) và sau đó một năm là chính thức ra đời hạng mục QBV nữ.
Năm 2000, khi V-League còn chưa ra đời, thì Giải thưởng QBV Việt Nam đã có hạng mục “Cầu thủ nước ngoài xuất sắc nhất”. Thời điểm đó, việc sử dụng “ngoại binh” chỉ nằm ở mức thử nghiệm và tại giải vô địch quốc gia khi đó chỉ mới có 3 CLB mua “ngoại binh” về đá.
Thời gian đã chứng minh quyết định của Ban tổ chức Giải thưởng QBV “đi trước một bước”. Bởi, kể từ năm 2002, khi bóng đá chuyển sang chuyên nghiệp, cầu thủ ngoại tràn ngập sân cỏ Việt Nam, đóng một vai trò không nhỏ trong sự phát triển. “Sốc” nhất có lẽ là hạng mục dành cho futsal. Dù đã có mặt tại Việt Nam từ những năm 2000, khi còn mang tên “bóng đá 5s”, nhưng futsal phát triển rất chậm, mang tính nghiệp dư, hầu như không có cơ hội thi đấu quốc tế.
Bầu Tú, tức ông Trần Anh Tú, Phó Chủ tịch VFF hiện nay, chính là người thuyết phục Ban tổ chức Giải thưởng QBV đưa futsal vào hệ thống trao giải. Sau 5 năm đầu tư cho futsal, ông Tú nhìn thấy tiềm năng của môn chơi này, và QBV futsal ra đời năm 2015 thì đến năm 2016 đội tuyển futsal quốc gia đã dự World Cup.
Sau gần 30 năm khai sinh và duy trì, nhà tổ chức Giải thưởng QBV Việt Nam - Báo SGGP cho đến nay vẫn chưa từng “hối hận” về bất kỳ hạng mục phát sinh nào, nếu không nói là rất tự hào vì đã tạo cảm hứng từ sớm. Bóng đá nữ, bóng đá trẻ, futsal đều đạt được những bước tiến thần tốc, đều đã dự World Cup, tức là còn đi nhanh hơn thành tích của đội tuyển quốc gia nam. “Bắt trend” đến thế là… quá đỉnh.