Nóng mặt với “vua”

Chẳng cần đợi đến lá đơn khiếu nại từ CLB SLNA, trọng tài chính Nguyễn Trung Kiên B đã gọi điện xin lỗi ông Chủ tịch Nguyễn Hồng Thanh và HLV trưởng Nguyễn Đức Thắng của đội bóng xứ Nghệ sau sai sót gây ra trên sân Vinh hôm cuối tuần vừa rồi.

Nguyên văn câu của ông Kiên B biện minh với truyền thông như thế này: “Tôi sai. Tôi xin nhận lỗi. Sau khi trận đấu kết thúc, tôi có xem lại băng hình. Tôi phát hiện mình sai và đã điện xin lỗi Chủ tịch và HLV của SLNA. Đây là lỗi nhận định của tôi. Tôi sẵn sàng chịu phạt. Chỉ mong người hâm mộ và đội SLNA thông cảm”.

Chưa bàn đến chuyện thiệt hơn ở đây, nhưng đấy có thể xem như sự hối lỗi cần thiết, dẫu cho có muộn màng. V-League từng có tiền lệ, nhưng thừa nhận lỗi lầm và mau mắn lên tiếng như kiểu của ông Kiên B và Ban trọng tài VFF thì không phải lúc nào cũng có. Dư luận ôn hòa thì dĩ nhiên coi đấy là hành động phù hợp với quy tắc ứng xử đạo đức mà bóng đá Việt đang theo đuổi. Hay nói cách khác, ít ra giữa bộn bề rắc rối kể từ đầu mùa đến giờ, bóng đá Việt cũng đã xuất hiện “văn hóa xin lỗi”, đáng nói là lại xuất phát từ lực lượng luôn nằm trong tầm ngắm và theo dõi của dư luận như các “Vua áo đen”.

Trọng tài Nguyễn Trung Kiên B (thứ 3 từ trái) trở thành tâm điểm của vòng đấu thứ 5. Ảnh: Minh Hoàng

Người xứ Nghệ đã nguôi ngoai đôi chút, dù họ thừa hiểu việc ông Trung Kiên B nhận lỗi cũng chẳng thay đổi được thực tế là SLNA vẫn mắt trắng 3 điểm về tay của Quảng Nam. Thành thử, ông trọng tài này có bị đình chỉ làm nhiệm vụ bao nhiêu trận đi chăng nữa thì V-League vẫn cứ trôi đi và SLNA vẫn chịu thiệt thòi rất lớn.

Mới đá hết 5 vòng, V-League đã xảy ra 3 sự cố nghiêm trọng về trọng tài. Xét mức độ, cả 3 đều gây ảnh hưởng đến không chỉ kết quả của các trận đấu, mà còn khiến hình ảnh của V-League. Vụ trọng tài Nguyễn Đức Vũ “bẻ còi” trên sân Hàng Đẫy, vụ trọng tài thứ 4 Nguyễn Hiền Triết báo bù giờ đến 2 lần (dù đi ngược lại luật lệ của FIFA) và đến chuyện ông Trung Kiên B bỏ qua pha phạm lỗi của cầu thủ Quảng Nam đối với thủ môn Nguyên Mạnh (SLNA) dẫn đến việc SLNA bị đối phương thắng ngược, càng khiến cho bầu không khí của bóng đá Việt thêm nóng bỏng.

Vấn đề là, từ trước khi V-League 2017 khởi tranh, Ban trọng tài đã có hẳn một chương trình bồi dưỡng và kiểm tra thể lực, năng lực chuyên môn được cho là kỹ lưỡng đối với các trọng tài tham gia công tác điều hành giải, nhưng sai sót cứ nối tiếp nhau xảy ra và đa phần đã sai luật FIFA, thì có lẽ nên đánh giá lại chính năng lực của cả Ban trọng tài - những người điều hành giới cầm cân nẩy mực - chứ chẳng đùa.

Nên nhớ, họ là những người định hướng, chỉ đạo cũng như bố trí nhiệm vụ cho trọng tài, thì không thể lên tiếng bênh vực đồng nghiệp Nguyễn Hiền Triết ở vòng 2 như cái cách mà Trưởng ban Nguyễn Văn Mùi từng thể hiện. Và cũng nên nhớ, không phải lúc nào các CLB cũng đúng khi phản ứng với các quyết định của trọng tài nhưng phần nhiều thì đều có lý.

Giờ đây, nhờ vào sự tiến bộ của công nghệ truyền hình, các phương tiện truyền thông đa phương tiện, đa phần những phản ứng, bất bình của lãnh đạo CLB, HLV cho đến cầu thủ và người hâm mộ dành cho trọng tài đều có cơ sở, bằng chứng không thể chối cãi.

LÊ QUANG

Tin cùng chuyên mục