Một tiếng xin lỗi

Có lẽ chẳng mấy ai để ý đến việc vòng tứ kết Cúp quốc gia vừa kết thúc nếu không có một sự kiện tương đối lạ diễn ra trên sân Thống Nhất, TPHCM. 
Đó là việc Chủ tịch CLB TPHCM, cựu tiền đạo Lê Công Vinh,  xuống sân xin lỗi khán giả sau khi đội bóng của anh này tung ra đội hình dự bị để thua SLNA đến 0-4 ở trận lượt về.
Tất nhiên, việc ấy chỉ diễn ra sau khi khán giả bên phía khán đài B phản ứng mạnh. Họ hét to về phía Công Vinh và các cầu thủ: “Chúng tôi không phải là con nít hay không biết xem bóng đá”. Trận đấu này chỉ có khoảng 1.500 khán giả đến sân, đa số có lẽ cũng chẳng tốn tiền vé. Nhưng dù là đến sân miễn phí thì họ cũng không thể chấp nhận được sự coi thường của đội bóng. Có lẽ cũng nhận thấy điều đó, Lê Công Vinh phải sang tận khán đài B để xin lỗi.
Thực ra, hành động đó chẳng nói lên điều gì cả. Bởi lẽ, việc sắp xếp đội hình dự bị tới quan điểm bỏ trận đấu đều được biết trước. Mọi chuyện có lẽ cũng sẽ trôi qua như sự cố ý của đội bóng nếu những người đến sân không cảm thấy mình bị “lừa”. Đó cũng là “điểm sáng” bé nhỏ của trận đấu, tức là vẫn còn một chút ít CĐV thực sự muốn đến sân xem bóng đá, dù là miễn phí.
Nhưng cũng vì vậy, càng cảm thấy buồn cho bóng đá Việt Nam. Trên khán đài sân Thống Nhất ngày hôm đó, cũng có những thành viên cao cấp của ban tổ chức giải. Họ thể hiện sự thất vọng với “màn kịch” dưới sân, nhưng tuyệt nhiên không có động thái nào sau khi trận đấu kết thúc. Không nặng nề như việc đội Long An từng bỏ trận đấu cũng trên sân Thống Nhất cách đây chưa lâu, nhưng hành động đưa đội hình dự bị ra sân cũng là một kiểu bôi xấu hình ảnh của bóng đá Việt Nam. Sự việc trước, CLB TPHCM là “nạn nhân”, còn vừa qua, họ là “diễn viên chính”. Tóm lại, chẳng khác gì nhau. Hậu quả nặng nề nhất là bóng đá Việt Nam tiếp tục mất khán giả, trong khi các nhà tổ chức gần như bế tắc trong việc nâng cao hình ảnh, chất lượng chuyên môn những giải đấu do mình điều hành. 
Nhưng điều đáng nói hơn là việc nói tiếng xin lỗi, dù là “cực chẳng đã” nhưng việc làm của Công Vinh lại đang trở nên hiếm hoi với bóng đá Việt Nam. Khi bắt tay vào làm, ai cũng hứa hẹn điều tốt đẹp. Khi sự việc không đúng, ít ra cũng cần xin lỗi một tiếng cho những người đã lỡ nghe lời hứa ấy mà chờ đợi.
Ví dụ như việc nâng cấp chất lượng trọng tài cho đến nay vẫn vô vọng, thế nhưng người đứng đầu không xin lỗi, thậm chí còn đề nghị phải được “chia sẻ” nhiều hơn. Một đội bóng như Đồng Tháp, 3 năm trước lẽ ra đã phải giải tán, được các nhà đầu tư đổ tiền vào duy trì nhưng chỉ sau 1 năm, rớt xuống giải hạng nhất, hiện nay đang đứng chót bảng có thể sẽ xuống luôn hạng nhì. Tình hình tệ còn hơn lúc suýt giải tán nhưng chẳng thấy ai đưa ra lời xin lỗi cho những gì họ đã hứa hẹn khi tiếp nhận đội bóng. Nếu hỏi các CĐV Đồng Tháp vào lúc này, có lẽ họ thà chọn việc xóa đi làm lại của 3 năm trước vẫn hay hơn.
Và trên hết, với những nhà điều hành bóng đá Việt Nam, để dẫn đến tình trạng chất lượng các giải đấu ngày càng kém, khán giả ngày càng vắng, cầu thủ ngày càng không đủ chất lượng để lên đá đội tuyển đến mức phải dùng U.20, cũng nên có một lời xin lỗi. Dù xin lỗi thì cũng chẳng giải quyết được điều gì nhưng ít ra cũng cho thấy mình có trách nhiệm với lời hứa.

Tin cùng chuyên mục