Lại đòi cải tổ VFF

Sau thất bại tại SEA Games 29, HLV Nguyễn Hữu Thắng và Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đều nhanh chóng từ chức, từ nhiệm. 
Đó là 2 nhân vật liên quan nhiều nhất đến đội tuyển U.22 và mục tiêu HCV, thế nên khi họ không tại vị, cơn tức giận của số đông đang thất vọng về kết quả ở SEA Games nhanh chóng chuyển sang những người còn lại tại VFF. Đỉnh điểm là yêu cầu tổ chức đại hội bất thường, thay đổi toàn bộ VFF với hy vọng, điều đó sẽ giúp cho bóng đá Việt Nam tốt hơn.
Thực tế thì VFF nhiệm kỳ vừa qua có tồi tệ như cách mà dư luận đang phản ứng hay không? Hoàn toàn không.
ừ khi bắt đầu nhiệm kỳ giữa năm 2014 đến nay, VFF khóa 7 đã làm được nhiều hơn là gây thiệt hại. Trong nhiệm kỳ này, có đến 2 đội U.19 lọt đến vòng chung kết châu Á, trong đó 1 lần đoạt vé dự U.20 World Cup, sự kiện vô tiền khoáng hậu. Một đội trẻ khác là U.16 cũng vượt qua vòng bảng giải U.16 châu Á, đội futsal nam tham dự World Cup, bóng đá nữ thành công trong việc trẻ hóa đội tuyển, U.23 dự vòng chung kết châu Á 2 lần và có thể sắp đến là đội tuyển quốc gia sẽ giành quyền dự Asian Cup lần đầu tiên bằng vé chính thức.
Thất bại duy nhất về mặt thành tích, đó là ở SEA Games 29 vừa qua, tuy nhiên trách nhiệm HLV Nguyễn Hữu Thắng đã được đề cập khá rõ khi ông này từ chức. Như vậy, không thể nói là hơn 3 năm làm việc của VFF khóa 7 quá tệ hoặc đáng bị thay thế. Bởi dựa trên các dữ liệu nói trên, chưa từng có nhiệm kỳ nào của VFF  làm tốt hơn.
Điểm trừ lớn nhất của VFF hiện tại, đó là chưa nâng chất được V-League, nơi quyết định nội lực của nền bóng đá. Tuy nhiên, ngay những ngày đầu nhiệm kỳ, VFF khóa 7 đã phải nhận một “đòn trời giáng” với vụ tiêu cực tại đội Ninh Bình, một vết hoen ố của bóng đá Việt trên trường quốc tế và kế tiếp là “vụ Đồng Nai”. Nhưng ngay sau đó, VFF cũng đã có động thái quyết liệt để chống tiêu cực và từ đó đến nay, V-League ít nhiều đã không còn các thông tin tương tự, cũng chẳng xảy ra trường hợp nào “bỏ bóng đá” như trước. Trong bối cảnh đã giao khoán cho Công ty VPF làm đơn vị điều hành V-League thì các nỗ lực chống tiêu cực của VFF là đáng ghi nhận. 
“Hậu SEA Games”, khó có thể khen VFF khóa 7 đã thành công khi mà phần bóng đá đỉnh cao (cấp đội tuyển và V-League) đều chưa có sự tiến bộ như kỳ vọng, tuy nhiên cũng không thể vì thất bại của một đội bóng trẻ và các phát ngôn gây sốc mang tính cá nhân của một ông bầu mà phủi sạch mọi thành quả của tổ chức này trong nhiệm kỳ vừa qua.
Cái chúng ta cần là một VFF khóa mới năng động hơn, mạnh mẽ hơn và khả năng phát triển tốt hơn, chứ không phải tìm cách hạ thấp những đóng góp của VFF hiện nay hòng thay bằng một ê kíp khác mà chưa có thời gian để kiểm chứng họ có thể làm tốt hơn hay không.
Nói cách khác, cái cần là thời gian tìm kiếm những người có tâm, có tầm để chuẩn bị cho VFF nhiệm kỳ sau chứ không phải vội vã đòi một sự thay đổi theo kiểu “chữa cháy” 

Tin cùng chuyên mục