Không thể dừng cuộc chiến?

Đến thời điểm này, có thể nói bản quyền truyền hình đã trở thành cuộc chiến thực sự sau khi VPF đơn phương cho phép VTV được phát sóng các giải đấu mà không phải thông qua AVG. Nhưng đã là cuộc chiến thì làm gì có chuyện người hâm mộ được hưởng lợi.
Không thể dừng cuộc chiến?

Đến thời điểm này, có thể nói bản quyền truyền hình đã trở thành cuộc chiến thực sự sau khi VPF đơn phương cho phép VTV được phát sóng các giải đấu mà không phải thông qua AVG. Nhưng đã là cuộc chiến thì làm gì có chuyện người hâm mộ được hưởng lợi.

Cuộc chiến về bản quyền truyền hình do Phó Chủ tịch HĐQT Công ty VPF Nguyễn Đức Kiên “kích hoạt” sẽ còn dai dẳng. Ảnh: Quang Thắng

Cuộc chiến về bản quyền truyền hình do Phó Chủ tịch HĐQT Công ty VPF Nguyễn Đức Kiên “kích hoạt” sẽ còn dai dẳng. Ảnh: Quang Thắng

Hành động của VPF thể hiện đúng chất “sốc” của bầu Kiên. Nói thẳng ra, với quyết định của mình, bầu Kiên và VPF chẳng xem hợp đồng giữa AVG - VFF ra gì cả. Tất nhiên, một người như bầu Kiên làm thì khi phải có lý. Cái lý đó dựa trên quyền hạn của VPF. Nói nôm na, bầu Kiên phớt lờ trước đó AVG đã có hợp đồng độc quyền 20 năm.

Trong trường hợp này, có thể thấy VPF đã thể hiện quyết tâm thoát khỏi VFF. Hay nói đúng hơn, sau bao nhiêu việc các ông bầu đã làm, đây là “đòn quyết định”. VPF tự xem mình là một pháp nhân độc lập so với VFF nên chẳng cần quan tâm đến chuyện VFF đã ký kết gì với AVG. Mặc dù vậy, đây đã là đòn knock-out đối phương hay không thì chưa biết bởi phía bên kia chiến tuyến, AVG chắc chắn không phải là đối thủ nhẹ ký nếu không nói, hoàn toàn có thể kéo dài cuộc chiến với VPF.

o0o

Hợp đồng của AVG và VFF có thể nói là không ai không biết bởi nó được cụ thể bằng mùa bóng vừa qua tương đối ổn thỏa. Đấy là hợp đồng còn trong thời hiệu và bắt buộc được tôn trọng dưới sự giám sát của pháp luật. AVG không cần phải công nhận tư cách của VPF nếu như chính VFF không đạt được thỏa thuận với họ về trường hợp bàn giao quyền cho VPF. Việc VPF làm, AVG cũng không có quyền quan thiệp mà họ chỉ đưa VFF… ra tòa rồi trên cơ sở đó, để VFF tự giải quyết với VPF. Nói gì thì nói, AVG vẫn đang là người “nắm đằng chuôi” bởi VPF chỉ mới cho phép VTV được truyền hình trực tiếp chứ chưa thể cấm AVG không làm điều tương tự. Điều đó cũng đồng nghĩa, chưa chắc VPF đã thắng trong cuộc chiến pháp lý này bởi vẫn còn đó VFF.

o0o

Câu hỏi đặt ra: Tại sao VPF lại vội vã tung đòn quyết định như vậy khi mà chính họ vẫn phải thừa nhận sự tồn tại của hợp đồng AVG-VFF. Bản quyền truyền hình về cơ bản, thuộc về VFF và sau đó, VFF sẽ bàn giao lại cho VPF. Nếu chưa có hợp đồng với AVG, việc bàn giao này sẽ rất dễ dàng khi được đưa thẳng vào chức năng hoạt động của VPF. Đằng này, nó đã là hợp đồng có hiệu lực nên nếu VPF muốn được quản lý bản quyền, họ phải được VFF bàn giao bằng một hợp đồng chuyển giao mang tính pháp lý rõ ràng. Như vậy, nếu giữa VFF và VPF chưa có hợp đồng chuyển giao thì việc VPF làm là không đúng luật.

Đây là mấu chốt của vấn đề và theo những gì phân tích ở trên, VPF vẫn chưa nắm đằng chuôi như họ muốn nên chưa thể “cấm” AVG không được vào sân.

Trở lại câu hỏi: tại sao VPF quá vội vã? Phải chăng VFF đang cố tình gây khó cho VPF trong việc tổ chức các giải đấu mà công ty này đang quản lý nên bầu Kiên nổi xung thiên mới tung “đòn quyết định” để khẳng định sự tồn tại độc lập giữa VPF và VFF? Phải chăng VFF đang cố duy trì chút ít quyền lực tại VPF nên không xúc tiến công cuộc đàm phán với AVG nhanh như bầu Kiên và VPF chờ đợi? Hoặc VFF có mối quan hệ “đặc biệt” nào đó với AVG nên mới tìm cách sắp xếp êm thắm thay vì hỗ trợ VPF việc đàm phán hợp đồng cho nhanh?

Quá nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp và một lần nữa có thể thấy, VFF sẽ là “nhân vật chính” hứng chịu mọi sự chỉ trích trong cuộc chiến giữa VPF và AVG, hay chính xác hơn là giữa các nhà tài phiệt đang muốn nắn gân nhau bằng câu chuyện về bản quyền truyền hình.

Và, trong cuộc chiến chưa có hồi kết đó, chẳng có người hâm mộ nào được lợi cả.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục